Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của ông Trần Đăng Khoa (SN 1962, thôn Tân Hải, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) từ một lời khen của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam rằng: "Hàng năm cứ vào cuối tháng 8, khi con em khắp cả nước chuẩn bị nhập học các trường đại học, cao đẳng, nỗi lo cơm áo, gạo tiền, đặc biệt là tiền học phí khiến nhiều phụ huynh trăn trở. Tôi vẫn nhớ mãi ông Khoa ở Gio Linh, nhà nghèo, may có vốn vay ngân hàng chính sách nên 6 đứa con của ông mới có thể đi học".
Lối vào ngôi nhà cấp 4 của ông Khoa là con đường mòn nhỏ hẹp, nằm bên mép mương thuỷ lợi. Đón chúng tôi trong ngôi nhà treo đầy giấy khen của 6 người con, ông Khoa cười tươi.
Nhớ lại thuở cơ hàn, ông Khoa chỉ về phía giấy khen của con gái đầu Trần Thị Nga (SN 1987). Năm 2007, vợ chồng ông Khoa đang ở nhà thì con gái từ cổng vừa chạy vào vừa hét lên trong sung sướng "Con đỗ đại học ba mẹ ơi". Không giấu được niềm vui, ông Khoa ứa nước mắt. Bởi vì, ở cái miền biển quê ông, ít gia đình nào cho con ăn học đến nơi đến chốn. Đa số theo nghề cha mẹ, bám biển gần bờ, đánh bắt con cá, con tôm.
Thế nhưng, chồng là ngư dân, vợ buôn thúng bán mẹt, mỗi ngày chỉ kiếm được bạc lẻ, tiền đâu cho con đi học. Nhiều đêm, vợ chồng ông Khoa thức trắng. Mỗi khi chợt nghĩ đến cảnh con gái không được nhập học, họ lại nước mắt lưng tròng.
Đang trong tình thế bí bách, Tổ trưởng Tổ vay vốn Ngân hành Chính sách xã hội huyện Gio Linh biết tin nên đến động viên, hướng dẫn ông Khoa vay vốn tín dụng sinh viên. Chỉ sau vài thủ tục đơn giản, ông Khoa đã được vay 28 triệu đồng cho chị Nga đi học.
Chưa kịp thở phào thì năm 2009, con gái thứ hai Trần Thị Phiến đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương 2 Nha Trang. Con đường duy nhất của ông Khoa là dắt con tìm vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gio Linh 32,6 triệu đồng để con vào giảng đường.
Năm 2011, 2013, lần lượt con thứ ba và thứ tư của ông Khoa là Trần Ngọc Khởi (đậu vào Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) và Trần Thị Mỹ Linh (đậu vào Đại học Tài chính Quảng Ngãi) cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay 53 triệu đồng và 39 triệu đồng để đi học.
Sau khi ra trường, có công việc, thu nhập ổn định, bốn người con đã đỡ đần cha mẹ nuôi hai em cuối học đại học.
Nhìn vào cuốn sổ vay, ông Khoa bùi ngùi: "Nếu không có vốn vay chính sách thì các con tôi khó mà đến trường để tương lai tươi sáng như hôm nay".
Ở Gio Linh nói riêng, Quảng Trị nói chung, có hàng ngàn gia đình như ông Khoa. Con đường đến giảng đường của con em sinh viên luôn có dấu ấn, sự đồng hành của Ngân hàng chính sách xã hội. Nói như ông Khoa "Ở đâu khó có ngân hàng chính sách".
Không chỉ được vay vốn cho con đi học, đầu năm 2022, ông Khoa còn được vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi gà, lợn tăng thu nhập cho gia đình.
Ở huyện Gio Linh, thời gian qua người ta hay nhắc đến cha con ông Lê Văn Hiền (SN 1968) và Lê Thiên Vương (SN 1991, thôn Hà Thượng, xã Gio Châu) như tấm gương sáng để mọi người học tập. Bởi, cha con ông Hiền là người đầu tiên ở xã dám mở mô hình nuôi gà 8.000 con/lứa.
Tạm gác việc lắp máy phun sương trên mái trại gà, ông Hiền đón chúng tôi giữa vườn cao su xanh mát.
Ông Hiền kể, trước năm 2019, cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 7 sào ruộng (3.500m2), vườn cao su nhỏ, thu nhập chẳng đáng là bao. Con trai Lê Thiên Vương sau khi học xong trung cấp thú y cũng lang bạt kỳ hồ, làm thuê cho nhiều công ty, dù lương khá cao nhưng tổng kết lại hầu như sạch túi.
Cha con ông Hiền thầm nghĩ, nhà có đất, có ruộng, lại có kỹ thuật hẳn hỏi, tại sao không làm giàu trên chính quê hương mình mà phải làm thuê?
Để trả lời câu hỏi đó, đầu năm 2019, cha con ông Hiền dốc toàn bộ vốn liếng trong gia đình, mượn người thân, bạn bè xây dựng trại nuôi gà, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gio Linh cũng tiếp sức, cho vay 100 triệu đồng. Không chỉ vậy, Quỹ hỗ trợ nông dân còn cho ông Hiền vay 100 triệu đồng để khởi nghiệp.
Nhờ vậy, cha con ông Hiền xây dựng trại nuôi gà ri Hoà Bình. Mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 8.000 con gà nuôi trong 3 tháng có thể xuất bán, mỗi năm cha con ông Hiền lãi 210 triệu đồng. Nếu chi phí thức ăn không tăng đột biến như thời gian qua thì tiền lãi sẽ cao hơn.
Ông Hiền chia sẻ: "Tôi là hội viên nông dân, con trai là đoàn viên. Để có thành công bước đầu như hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, cha con tôi xin cảm ơn người thân, bè bạn, đặc biệt là vốn vay ngân hàng chính sách và quỹ hỗ trợ nông dân đã tiếp sức khởi nghiệp".
Ông Võ Đắc Hoá – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, với những gia đình nghèo, không có tài sản đáng giá để thế chấp, thường gọi là ở mức số 0 hoặc số âm thì chỉ có Ngân hàng chính sách xã hội mới dám cho vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể với hình thức tín dụng. Tuy số tiền cho vay chưa lớn nhưng đó là nguồn vốn ban đầu cực kỳ quý giá, giúp khai mở cuộc đời, khởi nghiệp, thoát cảnh cơ hàn, sau đó sẽ nghĩ đến làm giàu.
"Nhiều năm qua, vốn vay ngân hàng chính sách đã giúp hàng ngàn người dân huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp to lớn vào sự phát triển của địa phương" – ông Hoá nói.
Ông Hoàng Đình Mẫn – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Gio Linh cho biết, từ năm 2019 đến 31/7/2022, ngân hàng đã cho 14.131 khách hàng vay hơn 550,856 tỷ đồng.