Nuôi gà núi Hương Sơn ở Bắc Giang, giá bán gà ta cao chưa từng thấy, nông dân trúng đậm
Nuôi gà núi Hương Sơn ở Bắc Giang, giá bán gà ta cao chưa từng thấy, nông dân trúng đậm
Minh Nga (TTKN Bắc Giang)
Thứ tư, ngày 06/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Thời điểm này, giá gà thả đồi, cụ thể là gà núi Hương Sơn trên địa bàn huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đang được thương lái thu mua với giá cao gấp 1,5 so với thời gian trước. Nguyên nhân của việc giá gà thả đồi tăng này là do khan hiếm nguồn cung.
Những hộ mạnh dạn đầu tư tái đàn gà từ vài tháng trước giờ đây đang "trúng quả đậm", thu lãi cao bởi giá gà thả vườn, thả đồi tăng 1,5 lần.
Nuôi gà thả đồi lãi 280 triệu/lứa
Với địa hình đồi núi, thuận tiện cho phát triển chăn nuôi gà và nhu cầu liên kết hỗ trợ của các gia đình trên địa bàn, HTX Chăn nuôi gà xã Hương Sơn được thành lập năm 2021 với 11 thành viên, chăn nuôi theo mô hình “gà thả đồi”.
Hiện HTX thường xuyên duy trì tổng đàn 30.000 con gà/lứa, gà nuôi tập trung chủ yếu ở thôn Đồn Cầu Bằng và Đồn 19.
Đến thăm mô hình chăn nuôi gà thả đồi của ông Trần Văn Đồng- Giám đốc HTX Gà núi Hương Sơn, đây là hộ có kinh nghiệm chăn nuôi gà thả đồi lâu năm của xã.
Với diện tích 3 ha vườn đồi, khu chăn nuôi nằm cách xa khu dân cư, khu đồi thả gà tương đối mát mẻ, ông Đồng cho biết, từ khi bắt đầu chăn nuôi đến nay, gia đình ông luôn duy trì nuôi hai lứa/năm.
"Hiện, gia đình tôi đang nuôi 9.000 gà, trong đó có 2.000 gà được một tháng tuổi và 7.000 gà đang được xuất chuồng. Trung bình mỗi con đạt 2,2-2,5kg, với giá bán 75.000- 85.000 đồng/kg tùy giống gà, sau khi trừ chi phí (tiền cám, con giống, thuốc…), lãi khoảng 280 triệu đồng/lứa. Đây là lứa gà lãi “đậm” nhất từ trước đến nay của gia đình...", ông Đồng phấn khởi cho hay.
Gà núi Hương Sơn (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon...
Còn anh Dương Văn Thân, cùng ở Đồn Cầu Bằng, thành viên HTX cho hay: "Năm ngoái, gia đình tôi nuôi 4.000 con gà nhưng chỉ bán được giá 59.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 80 triệu đồng. Đến lứa gà này, cũng với số lượng trên, được thương lái trả đến 85.000 đồng/kg, ước tính sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng...".
Để có kinh nghiệm chăn nuôi, anh Thân được tham gia nhiều lớp tập huấn khuyến nông về kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học, đi tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi các mô hình tiêu biểu trên địa bàn…
Toàn huyện Lạng Giang hiện có hàng nghìn hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, chủ yếu là các giống gà lai chọi, gà lai mía lai…, tập trung nhiều ở các xã Hương Sơn, Tiên Lục, Nghĩa Hòa và Quang Thịnh.
Khi gà đạt trọng lượng xuất chuồng, thương lái ở các nơi tìm đến hộ chăn nuôi và đặt mua để đem đi tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… Gà núi Hương Sơn có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon nên chiếm được thị hiếu người tiêu dùng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, khoảng 5 năm trở lại đây, có một số thời điểm giá gà tăng cao nhưng cũng chỉ đạt mức 70.000 đồng/kg. Hiện là thời điểm giá gà ta “leo” cao nhất từ trước đến nay.
Sở dĩ giá gà thời điểm này tăng cao như vậy là do dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và giá chi phí đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao nên bà con dè dặt trong việc tái đàn.
Phần lớn các gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Lạng Giang đều giảm số lượng đàn vật nuôi hoặc tạm để trống chuồng nên gà thả đồi đến tuổi được bán hiện đang khan hiếm, dẫn đến cung không đủ cầu.
Không tái đàn khi giá gà cao nhất
Có thể thấy rằng, giá gà thịt tăng cao đang là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo bà Quách Thị Diễm- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạng Giang, mặc dù giá gà tăng nhưng không mang tính ổn định và lâu dài.
Vì thế, các hộ chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt khiến cung vượt cầu, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và không mang lại hiệu quả kinh tế. V
ới tình hình thời tiết nắng nóng và dịch bệnh trên đàn vật nuôi như hiện nay, bà con cần có giải pháp chống nóng phù hợp cho đàn gà, kết hợp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để gà phát triển khỏe mạnh. Cùng với đó, bà con cũng nên chú ý, tính toán thật kỹ giá nguyên liệu đầu vào để hạn chế thấp nhất rủi ro trong chăn nuôi.
Được biết, nhằm giúp sản phẩm Gà núi Hương Sơn phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cho người dân, địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.