Trong lớp kí ức của ông Ngô Văn Thông, trưởng xóm Vạn Chài, phường Thịnh Lang (TP. Hòa Bình - Hòa Bình), làng của dân chài không cố định mà nó tụm lại và tản ra tựa như con nước triều. Nói đến dân vạn chài là nhắc tới sự vất vả cực nhọc trong mưu sinh.
Năm nay đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, ông Thông nom còn khỏe và nhanh nhẹn. Hàng ngày ông đi đánh cá rồi lên bờ họp hành. Dân chài cứ mở mắt ra là phải nghĩ đến việc kiếm sống. Nó thúc giục và không thể chì hoãn. Bữa nào không kiếm được con tôm con cá, nhà không có thu nhập. Sau bao năm lênh đênh theo con nước, giờ dân vạn chài mới định cư yên ổn tại xứ Mường.
Vạn Chài – chỉ những người chuyên làm nghề chài lưới kiếm sống trên sông. Mọi sinh hoạt của họ ở trong chiếc thuyền neo đậu ở bến sông. Trong lớp kí ức của ông Thông, xóm làng mình "chưa yên ổn ở một bến bờ nào".
Quê ông ở tận Ba Vì (Hà Nội). Khi ấy, khoảng 20 chục hộ dân, mỗi nhà có một chiếc bè và cái thuyền gỗ tụ hợp tại bờ hữu sông Đà. Ông sinh ra đã thấy bố mẹ làm nghề chài lưới trên sông Đà. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong cái bè nổi rộng chừng gần chục mét vuông. Họ lấy nhau và sinh con đẻ cái trên thuyền.
Mẹ ông sinh được 5 người con. Cả nhà sống trong cái bè chật chội neo đậu bên bờ hữu sông Đà. Công việc chính là đi đánh bắt cá. Ông lớn lên trong suốt hành trình mưu sinh đầy gian khó cùng bố mẹ. Ngày đó, việc buôn bán cá mú còn rất hạn chế. Dân chài kiếm được mớ tôm, mớ tép mang vào chợ đổi lấy gạo, muối và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày.
Xóm chài nghèo nàn và đói kém. Chiều chiều trên bến sông, sau cả ngày đi đánh cá, họ cùng tụ tập lại ở mom sông. Con sông Đà nước mùa nào cũng dữ dàn khiến cả xóm chòng chành không thôi. Sống trên sông sợ nhất là vào mùa lũ.
Khi ấy, nước ở trên miền ngược cuồn cuộn đổ về xuôi. Cả mặt sông đục ngầu sôi sục. Dòng nước siết mang theo củi gỗ từ mạn ngược kéo về. Có những cây ngô to mấy người ôm lao phăng phăng giữa dòng. "Nhìn cảnh đó ai cũng sợ, may mà trời tránh choc ho, chứ cây gỗ đó mà lao vào bè của xóm chài, chẳng ai sống nổi. Mỗi lần qua mùa lũ là dân chài lại thở phào là mình lại được sống", ông Thông nhớ lại.
Tất cả các hộ của xóm chài đều có chung cảnh ngộ 4 không: Không đất, không ruộng, không điện nước, không nước sạch. Cuộc sống phụ thuộc vào việc đánh bắt tôm, cá trên sông. Không phải ngày nào cũng có chợ nên cuộc sống của dân chài thấp thỏm, lên xuống như con nước vậy.
Nhà nào cũng ở cảnh đói, rét. "Bố mẹ tôi quần áo vá chằng, vá đụp. Nước da ai cũng đen sạm, chả mấy khi thấy ông cười vì công cuộc mưu sinh vất vả quá. Trên khuôn mặt bố tôi hằn lên những nếp nhăn khắc khổ. Họ bảo, họ cũng muốn lên bờ cho con cái đỡ khổ, nhưng lực bất tòng tâm, bao năm ngược xuôi trên sông Đà mà không sao có đủ tiền mua lấy một tấc đất", ông Thông nhớ lại.
Sống trên sông, nên đám trẻ của làng chài cũng có số phận rất hẩm hiu. 3 tuổi là đám trẻ đã học bơi để thích nghi với cuộc sống đầy rủi ro. Nhiều đứa trẻ vừa biết bò đã bỏ mạng trên sông vì bị chết đuổi. Cả ngày đám trẻ sống trên bè, chỉ những lúc theo mẹ đi chợ bán cá hoặc lên bờ học xóa mù chữ, chúng mới có giây phút nô đùa thỏa mái.
Lại nói đến sự học, đa phần trẻ làng trài học cho biết mặt chữ là bỏ học, chưa có ai theo sự nghiệp đèn sách được đến nơi đến chốn. Ông Nguyễn Văn Duyên một thành viên của xóm chài, nay đã gần bảy mươi tuổi, mỗi khi nhắc đến xóm vạn chài, bao khó nhọc của cả một đời gian khó ùa về: "Thầy cô giáo lên thuyền vận động, chúng tôi đi học cho có. Thời gian chính vẫn là đi kiếm ăn cùng bố mẹ. Trong đầu đám trẻ chúng tôi khi đó chỉ mong ngày có được 2 bữa no và có bộ quần áo tươm tất để mặc".
Xóm chài trên sông Đà cứ sau mỗi năm lại có thêm 1 hai hộ. Họ cũng là dân sông nước lênh đênh trên sông Hồng, sông Đà hợp lại. Dần dần cái làng chài hình thành. Họ cùng nương tựa, đỡ đần nhau vượt qua gian khó.
Dân chài bơi rất giỏi, họ có thể nổi cả ngày trên sông. Hết đánh cá ở ngã ba Bạch Hạc, họ lại ngược dòng Đà giang khi nước rút. Những chuyến rong thuyền lên mạn ngược Tây Bắc là hành trình đầy gian khó. Cả xóm chài nheo nhóc cùng dẫn bầu đàn thê tử ngược sông Đà. Con sông dữ dằn nhất miền Bắc này mỗi khi nhắc tới ai cũng sởn da gà.
Khi mùa bão lũ đã yên, cuối tháng 10 dân chài nối nhau ngược sông. Bởi lẽ càng lên vùng thượng nguồn càng dễ kiếm cá. Họ đã từng câu được cá lăng, cá chiên nặng nửa tạ. Đây là giống cá đặc sản trên sông Đà, luôn bán được giá cao. Ai bắt được một con là có gạo ăn cả tháng. Vì thế, năm nào làng chài cũng nô nức nhau kéo lên mạn ngược. Nó tựa như một chuyến hành hương không thể không đi.
Hành trình vượt thác băng rừng để kiếm miếng cơm mưu sinh của dân chài luôn đối mặt với hiểm nguy. Từ địa phận thành phố Hòa Bình kéo về mạn ngược, sông Đà có hàng trăm, hàng nghìn thác lớn nhỏ.
Gần 20 chục hộ gia đình luôn sát cánh cùng nhau để hỗ trợ nhau lèo lái qua cung đường thủy luôn muốn cướp tính mạng của vạn chài. Khi vượt thác, chị em phụ nữ giao nhiệm vụ gùi đồ đạc trong thuyền, còn cánh trai tráng cùng nhau ghé vai khiêng thuyền. Sông Đà mùa nào cũng dữ dằn, nó có những xoáy nước ngầm vô cùng hung hiểm.
Vạn chài chỉ cần xảy chân là mất mạng như chơi. Nhưng muốn lên mạn ngược phải vượt qua thác, dòng thác có cửa tử, cửa sinh. Đám thanh niên gồng mình lên mà khiêng thuyền vượt thác. Mỗi lần vượt qua hiểm địa như thác Bờ, thác Tạ Bú, thác Tạ Khoa… là một lần dân chài mang sinh mạng ra đánh đổi.
Lên mạn ngược, bà con đánh được cá sẽ vào các bản của bà con người Tày, người Mường đổi ngô, đổi gạo. Khi đó, ai cũng chỉ nghĩ kiếm được bữa no là đời hạnh phúc lắm rồi.
Tha phương, cầu thực suốt mấy tháng trời trên mạn ngược, tới thị xã Mường Lay (Lai Châu), họ bắt đầu xuôi dòng sông trở về. Vừa đi vừa giăng câu, thả rọ tôm, câu cá lăng, cá chiên kiếm sống.
Ngôi làng cũng theo đó mà tồn tại nay ở góc sông này, mai lại ở khúc sông khác. Xóm chài sau mỗi năm lại đông dần lên. Các gia đình có con nhớn đến ngày lấy vợ, gả chồng, cũng theo đó mà tăng lên.
Nhà nào chật chội quá, đóng cho con cái bè để cho chúng ở riêng. Do không kiếm được nghề gì, chúng lại theo nghề chài lưới của cha ông. Đời nọ nối đời kia coi sông Đà là "cái mỏ cá" nuôi sống làng nổi.
Mưu sinh trên sông nhiều năm, họ gắn bó chặt chẽ để hỗ trợ nhau khi ốm, khi đau. Gia đình ông Ngô Văn Thông từ 5 anh em cũng tách nhau ra ở riêng. Ông lấy vợ và sinh con đẻ cái. Vợ ông sinh được 5 người con. Giờ cả 5 người con này cũng tiếp nối kiếp sống vạn chài.
Cả đời người gắn bó với dòng sông, nên làng nổi cũng theo bước chân của dân chài mà tồn tại. Cuộc sống nheo nhóc của dân chài cũng dần được cải thiện khi xuất hiện những vật liệu mới để làm bè. Bè nứa, thuyền gỗ được thay thế bằng khung nhôm chắc chắn, mái lợp tôn, thuyền có gắn máy chạy. Dân chài đỡ vất vả hơn, nhưng cuộc sống mưu sinh không vì đó mà bớt phần gian khó.
Xóm vạn chài có nguồn gốc ở Ba Vì, nhưng họ sống chủ yếu ở vùng mạn ngược sông Đà. Nơi họ thường xuyên dừng chân tại địa phận thành phố Hòa Bình. Công cuộc ngược sông Đà của họ bị chặn đứng khi thủy điện Hòa Bình đóng cống.
Họ neo lại dưới chân đập thủy điện Hòa Bìn. Từ đây cái làng nổi của dân chài mới chính thức được thành lập. Hiện tại xóm Vạn Chài có tới 72 hộ dân. Họ là dân tứ chiếng, sau bao năm ngược xuôi kiếm ăn trên sông nước tụ hợp lại. Dân chài mới chính thức có hộ khẩu và trẻ em được học hành đến nơi đến chốn.
Vạn chài định cư tại một nơi, nhưng khó khăn lại trăm bề. Những năm trước địa phận đánh cá kéo dài cả mấy trăm cây số.
Hiện nay, khu vực đánh cá giới hạn từ chân thủy điện Hòa Bình kéo về xuôi. Theo đó, nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt khiến việc mưu sinh của làng chài thêm phần gian khó. Ước mơ được lên bờ định cư của dân chài trong giai đoạn này còn khó khăn gấp nhiều lần.
Đất cát ngày một eo hẹp và tăng giá theo cấp số nhân. Dân chài ăn còn chưa đủ, nói chi đến chuyện tích lũy tiền mua đất. Họ đành ngậm ngùi nối tiếp cuộc sống của cha ông. Đói hay no đều trông cả vào dòng sông Đà.