Đầm nước ở Quảng Trị được xem như báu vật, hút người tới chơi có gì đặc biệt
Đầm nước được người Quảng Trị xem như báu vật, hút khách tới chơi có gì đặc biệt?
Ngọc Vũ
Chủ nhật, ngày 18/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Ở tỉnh Quảng Trị có một đầm nước rộng 10ha, bao quanh là cánh đồng nguyên sinh và thảm thực vật 90ha. Đó là trằm Trà Lộc - tài sản vô giá, “lá phổi xanh” được người dân xem như báu vật, bảo vệ nghiêm ngặt, để mỗi năm tổ chức mở hội một lần.
Những năm trở lại đây, trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Bởi nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, view đẹp, lại thoáng mát. Có được điều đó là nhờ người dân địa phương bảo vệ trằm Trà Lộc, giữ nguyên nét hoang sơ của báu vật vô giá này.
Ông Cáp Xuân Tường – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc cho biết, đầm nước Trà Lộc rộng 10ha, bao quanh là thảm thực vật rừng tự nhiên 90ha. Trải qua bao cuộc bể dâu, người dân xã Hải Hưng vẫn bảo vệ nghiêm ngặt, phát huy hiệu quả trằm Trà Lộc.
Trong các cuộc kháng chiến, nhờ vào địa hình đầm nước trũng, bùn lầy, rừng tự nhiên che phủ kín đáo nên trằm Trà Lộc trở thành nơi ẩn náu lý tưởng của bộ đội ta hoạt động cách mạng, đúng với câu thơ "Rừng che bộ đội, rừng vây quanh thù" của nhà thơ Tố Hữu.
Ông Lê Khái – Hội Chủ làng Trà Lộc nhấn mạnh, thời kỳ chưa có nước thuỷ lợi, trằm Trà Lộc là nơi cung cấp nguồn nước tưới duy nhất cho cả vùng ruộng lúa rộng lớn. Nói chính xác hơn, trằm Trà Lộc là mạch sống của hàng ngàn hộ dân vùng đồng bằng xã Hải Hưng và các xã phụ cận.
Theo ông Khái, ngày xưa người dân địa phương thường nói rằng, trằm Trà Lộc còn nước thì dân, bộ đội còn cái ăn, trằm Trà Lộc khô cạn thì dân đói, bộ đội khổ nhiều hơn. Ý thức được tầm quan trọng của đầm nước 10ha này nên hàng trăm năm qua, bà con nhân dân tuân thủ nội quy của làng, bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.
Nhờ đó, trằm Trà Lộc vẫn giữ được nét tự nhiên vốn có, là "lá phổi xanh" điều hoà không khí, bảo vệ dân làng vượt qua bao cuộc càn quét của kẻ thù và thiên tai bão lụt. Đặc biệt, nơi đây có thảm động thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều giống loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, theo lời đề nghị của người dân, chúng tôi không tiện nêu tên các loài động vật vào bài viết, nhằm giữ bí mật, tránh người ngoài nhòm ngó, tìm bắt.
Lễ hội phá trằm Trà Lộc
Ông Cáp Xuân Tường cho biết, ngày xưa, cứ vào tháng 8, người dân xã Hải Hưng thu hoạch xong vụ lúa Hè – Thu. Để có thức ăn ngon phục vụ bữa cơm cúng mừng lúa mới, đảm bảo sức khoẻ sau chuỗi ngày đồng áng vất vả, dân làng thống nhất xả nước trằm Trà Lộc để bắt cá, mang chút phước lộc của đất trời về cho gia đình, tổ tiên.
Nông cụ bắt cá chỉ thủ công, thô sơ như nơm, lưới, vợt, vó, rổ rá, rập, dủi… Việc làm này vừa cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho người dân, vừa giúp vệ sinh, cải tạo lòng đầm, chuẩn bị cho việc tiếp nhận nguồn nước mới từ trời đất, phục vụ cho vụ mùa năm sau.
Dần dần, việc xả trằm Trà Lộc bắt cá trở thành phong tục, văn hoá độc đáo được người dân xã Hải Hưng gìn giữ hơn 300 năm nay. Ngày nay, lễ hội phá trằm Trà Lộc có nhiều ý nghĩa hơn, trong đó có việc kích cầu phát triển du lịch.
Ông Lê Khái cho biết, trước khi lễ phá trằm diễn ra, dân làng phối hợp chính quyền địa phương xả nước, ngày đêm bảo vệ không để kẻ gian xuống đầm bắt cá.
Buổi sáng hôm tổ chức lễ, sau khi các cụ cao niên của làng Trà Lộc thực hiện xong nghi thức cáo giang sơn, 3 hồi trống dài được đánh lên. Hàng trăm người dân, từ cụ già cho đến trẻ nhỏ, không kể đàn ông hay phụ nữ đều đồng loạt xuống đầm để lội bùn, tìm và bắt cá.
Người dân chỉ được dùng vật dụng thô sơ để bắt cá như các bậc tổ tiên chứ không được dùng xung điện, vật sắc nhọn. Mỗi khi bắt được con cá to, người dân lại hò hét, tạo cảm giác vui tươi, phấn khởi. Ngoài cần cù chịu khó, người dân phải đoàn kết mới vây bắt được cá to. Càng nhiều người đoàn kết với nhau thì việc bắt cá càng dễ dàng hơn.
Lễ hội phá trằm Trà Lộc những năm gần đây thu hút hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế về tham gia. Người quay phim, người chụp ảnh, livestream… đã giúp trằm Trà Lộc nổi lên, trở thành địa chỉ xanh trên bản đồ du lịch.
Ông Cáp Xuân Tường cho biết, hiện nay Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc có 7 quán kinh doanh phục vụ du khách. Đến đây, ngoài được tản bộ, ngắm cảnh dưới tán rừng tươi mát, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân giã, đậm hương vị đồng quê.
Ông Cáp Xuân Tá – Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, người dân địa phương xem trằm Trà Lộc là tài sản vô giá mà trời đất ban tặng, tổ tiền gìn giữ nên rất có ý thức bảo vệ, phát huy tiềm năng, lợi thế có được.
Đảng bộ, chính quyền huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung cũng hiểu rõ tầm quan trọng, tiềm năng du lịch của trằm Trà Lộc và lễ hội phá Trằm Trà Lộc. Vì vậy, huyện, tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai các đề án, kêu gọi đầu tư nhằm xây dựng trằm Trà Lộc thành khu du lịch sinh thái đẳng cấp, xứng tầm.
Clip lễ hội phá trằm Trà Lộc năm 2022. Clip: Ngọc Vũ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.