Nét đẹp hoang sơ của Cồn Sơn được ví như viên ngọc quý giữa phố thị và với loại hình du lịch cộng đồng, Cồn Sơn đã tạo nên bản sắc mới cho ngành du lịch Cần Thơ.
Từ trung tâm TP.Cần Thơ, chúng tôi đi theo hướng Quốc lộ 91, đến bến đò Cô Bắc (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy) thì bắt đò sang Cồn Sơn chỉ mất khoảng 5 - 10 phút.
Nhìn từ xa, Cồn Sơn có vẻ hoang sơ khi được bao bọc bởi những rặng bần, bốn mặt là sông nước mênh mông.
Cồn Sơn là một vùng đất nổi giữa sông Hậu có diện tích khoảng 70ha, đất đai màu mỡ, phù sa bồi đắp quanh năm, những vườn cây xanh mướt. Đặc biệt, người dân xứ cồn chất phác, dễ mến lại vô vùng hiếu khách.
Cách đất liền không xa, Cồn Sơn có không gian hoàn toàn khác biệt. Du khách như bước vào một thế giới khác, yên tĩnh và trong lành với vẻ đẹp đơn sơ. Trước khi phát triển du lịch, Cồn Sơn là vùng đất chỉ có nhà vườn, nhà bè nhỏ, lẻ. Nhờ phát triển du lịch, đời sống người dân nơi đây dần phát triển hơn trước.
Khu du lịch Cồn Sơn chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2015. Điểm thu hút nhất của du lịch Cồn Sơn là mô hình du lịch cộng đồng mang đến sự trải nghiệm mới lạ trên mỗi hành trình khám phá.
Tại đây, khoảng 30 hộ dân cùng tham gia Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Cồn Sơn (trước đây là Câu lạc bộ Liên thế hệ giúp nhau vượt khó). Du lịch cộng đồng là tất cả hộ gia đình chung tay lại cùng làm du lịch.
Người dân ở đây liên kết với nhau trên cơ sở tình làng, nghĩa xóm, mỗi hộ có một đặc trưng riêng. Hộ gia đình có vườn trái cây thì đưa du khách đến thưởng thức. Hộ nào có bè cá thì đưa khách đến tham quan.
Hộ nào có tay nghề thì hướng dẫn khách làm bánh. Tất cả làm nên một tập thể cùng hỗ trợ, bù đắp cho nhau giúp Khu du lịch Cồn Sơn ngày càng phát triển và để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Nằm ngay cửa ngõ vào Cồn Sơn, làng nuôi cá bè hiện được các đoàn khách ghé thăm trước khi bước chân lên cồn.
Tại đây, chúng tôi có cơ hội ngắm nhìn hàng ngàn con cá đủ màu sắc tung tăng dưới bè như cá trê hồng, cá tra, cá thác lác, cá chép, cá Koi, cá hổ độ,... Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm cho cá ăn, massage tay, chân từ cá.
Rời bè cá Bảy Bon, chúng tôi lên cồn sang nhà vườn Công Minh và được chủ vườn tận tay hướng dẫn làm bánh kẹp, bánh lá mít và thưởng thức tại chỗ, xem nổ cốm gạo,...
Bà Phan Kim Ngân (chủ nhà vườn Công Minh) cho biết: “Mỗi ngày, tôi đón nhiều lượt khách, đặc biệt khách miền Trung, miền Bắc, khách Tây rất thích trải nghiệm. Tôi cũng tạo điều kiện để du khách có thể tham gia mọi công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu, nhào bột, tự tay chế biến những chiếc bánh thơm ngon. Sau khi làm bánh, du khách ngồi chờ vài phút để hấp, luộc rồi thưởng thức".
Đặc sản của Cồn Sơn phải kể đến “cá lóc bay” của nhà vườn Thành Tâm. Để cá có thể biểu diễn, chủ vườn phải hình thành cho chúng phản xạ với âm thanh bằng cách chia nhỏ thức ăn hàng ngày, mỗi lần cho ăn là dùng kẻng gõ.
Hoạt động này lặp đi lặp lại nhiều lần, khiến đàn cá hàng ngàn con tung mình lên không trung như “nhảy” để đớp mồi mỗi khi nghe thấy tiếng động. Kế bên nhà vườn Thành Tâm là nhà vườn làm bánh su sê Bé Bảy. Với 3 đời làm bánh, bánh su sê của bà Lê Thị Bé Bảy từng đoạt giải Nhất bánh ngon Nam bộ năm 2015.
Ông Lê Văn Càng (48 tuổi, ngụ khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết: “Tôi được người thân dạy làm bánh su sê từ nhỏ. Nối nghiệp gia đình, giờ đây, tôi tham gia hợp tác xã làm du lịch, một phần muốn kiếm thêm thu nhập và quan trọng là quảng bá, giới thiệu món bánh su sê truyền thống của gia đình đến với người dân trong cả nước”.
Du khách Phan Thị Diễm Trinh (đến từ Hải Phòng) chia sẻ: “Điều ấn tượng nhất đối với tôi là người dân nơi đây vô cùng thân thiện và hiếu khách. Các chủ vườn hướng dẫn tôi cách làm bánh. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi sẽ giới thiệu bạn bè, người thân ghé thăm vùng đất yên bình này”.
Với đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, Cồn Sơn dần trở thành một địa điểm du lịch miệt vườn nổi tiếng mà bất cứ du khách nào cũng muốn ghé thăm. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm một khung cảnh bình yên và khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa không gian thoáng mát và yên tĩnh của vùng quê Cần Thơ.