Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây lương thực lên đảo Phú Quý của Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 31/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Đền thờ công chúa Bàn Tranh được xây dựng vào đầu thế kỷ XVI hiện nằm trên địa bàn xã Long Hải huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Công chúa được người dân trên đảo tôn vinh là bậc tiền hiền, người đầu tiên đưa những giống cây lương thực trồng lên đảo, tạo dựng cuộc sống từ xa xưa…
Bình luận 0

Giỗ công chúa Bàn Tranh, ngày hội lớn của người dân đảo Phú Quý

Một ngày đầu tháng 9/2022, trong dịp ra đảo Phú Quý, chúng tôi tìm đến viếng đền thờ công chúa Bàn Tranh. Vừa hỏi thăm đường đi, nhiều người dân trên đảo Phú Quý đã hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình…

Theo ghi nhận của chúng tôi, đền thờ Công chúa Bàn Tranh nằm dưới chân núi Cao Cát, gần một làng chài của xã Long Hải. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là cuộc sống của người dân ở xung quanh đền sung túc, bởi nhiều căn nhà mới khang trang đang mọc lên.

Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây nông nghiệp lên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1.

Từ bên trong đền thờ Công chúa Bàn Tranh nhìn ra cổng chính. Ảnh: Bùi Phụ

Có thể nói, sau bao thăng trầm thay đổi của thời gian, đền thờ công chúa Bàn Trang hiện nay vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghi trên “hòn ngọc” giữa biển khơi này. Cửa chính đền thờ công chúa Bàn Tranh quay về phía Nam, cách cảng bến tàu Phú Quý 8km. Cổng đền được xây dựng và chạm trổ hoa văn rất tinh xảo. Trong đền được sơn son thếp vàng đầy vẻ tôn kính... 

Mùi hương trầm từ ban thờ công chúa Bàn Tranh tỏa ra, khiến mọi mệt mỏi đường xa như nhóm du khách chúng tôi tan biến...

Ông Hai, đã hơn 70 tuổi, một cư dân sống từ nhỏ đến giờ ở gần đền thờ cho biết, người dân ở đảo này rất tôn kính, biết ơn công chúa Bàn Tranh nên ngày nào cũng có người dân vào đền thắp hương.

“Việc thờ công chúa Bàn Tranh đã trở thành tín ngưỡng thiêng liêng nhất của người dân trên đảo. Vì vậy, người dân chúng tôi phải có trách nhiệm trông coi đền thờ để dịp cúng tế hàng năm để bà con trên đảo quy tụ về cúng tế công chúa Bàn Tranh…”, ông Hai nói.

Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây nông nghiệp lên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2.

Đền thờ Công chúa Bàn Tranh xã Long Hải huyện đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Theo lời ông Hai, đến ngày Mùng 3 tháng Giêng (Âm lịch), người dân trên đảo Phú Quý tổ chức long trọng lễ hội tại đền thờ công chúa Bàn Tranh nhân ngày giỗ công chúa. 

Dịp này, Ban Quản lý đền thờ tổ chức nghi lễ thỉnh rước sắc phong của công chúa Bàn Tranh tại làng đang lưu giữ, thờ phụng sắc về đền thực hiện tế lễ.

Cũng theo lời ông Hai, đền thờ công chúa Bàn Tranh thể hiện bước kế thừa, tiếp biến và dung hợp văn hóa của cộng đồng người Việt khi đến tiếp quản và xây dựng cuộc sống trên đảo Phú Quý. Đặc biệt việc trông coi, thờ phụng và cúng tế hàng năm được diễn ra luân phiên giữa các làng trên đảo.

“Theo quy ước mỗi làng được lưu giữ sắc phong, phụng thờ, cúng tế trong thời gian 1 năm. Sang năm sau, sẽ luân chuyển sang làng khác và cứ thế luân chuyển khắp các làng trên đảo theo trình tự…”, ông Hai chia sẻ.

Nhiều người dân lớn tuổi trên đảo Phú Quý cho biết, vào dịp này, đoàn lễ khởi hành nghinh rước sắc phong tại làng đang giữ sắc rồi đi qua các ngõ đường trong làng rồi về đền thờ công chúa Bàn Tranh. Người dân ăn mặc đẹp, nghiêm trang tham gia lễ hội rất đông, bày tỏ lòng thành kính bên âm thanh của nhạc cụ dân gian suốt hành trình của buổi lễ. 

Sắc màu trang phục của người dân và âm thanh của nhạc cụ như hòa quyện vào nhau, tạo nên nét đẹp độc đáo, thể hiện sắc thái văn hóa thiêng liêng của người dân trên đảo Phú Quý. Nhân dịp này, khắp nơi trên đảo Phú Quý còn diễn ra các lễ hội dân gian đậm sắc thái miền biển như: hò chèo bả trạo, hát bội, múa tứ linh…

Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây nông nghiệp lên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận - Ảnh 4.

Bên trong đền thờ công chúa Bàn Tranh được sơn son thếp vàng đầy vẻ tôn kính...Ảnh: Bùi Phụ

Công chúa Bàn Tranh, người có công đưa cây lương thực lên đảo

Theo truyền thuyết và tư liệu của bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công chúa Bàn Tranh tên thật là Po Sah Ina là con gái vương quốc Chămpa. Vua Po Kathit, còn có tên Po Dam (Po Kathit, người Việt gọi là Bàn La Trà Duyệt) làm vua từ năm 1458 đến 1460. 

Công chúa Bàn Tranh yêu một chàng trai cùng dân tộc nhưng khác tôn giáo, không thuộc dòng dõi hoàng tộc nên bị các vị đại thần triều đình lúc bấy giờ phản đối.

Công chúa bị cho là mang tội bất kính với vua cha nên phải chịu hình phạt lưu đày ra hoang đảo vĩnh viễn không được trở về đất liền. Vua cha đã ban cho công chúa Bàn Tranh một số tùy tùng, dụng cụ sản xuất, đánh bắt hải sản, nhiều hạt giống lương thực, chiếc thuyền buồm để tự mưu sinh...

Sau những ngày lênh đênh trên biển, thuyền của công chúa cặp vào hòn đảo. Và từ đó, công chúa cùng những tùy tùng đi theo đã khai khẩn, mở đất lập làng tạo dựng cuộc sống mới trên hòn đảo này.

Sau khi qua đời, thi thể công chúa được người dân chôn cất tại đảo và lập đền thờ. Khoảng đầu thế kỷ XVII ngôi đền được người Việt tiếp quản, gìn giữ và thờ phụng cho đến ngày nay.

Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây nông nghiệp lên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận - Ảnh 5.

Bệ thờ công chúa Bàn Tranh. Ảnh: Bùi Phụ

Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu, hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai, làm ruộng vườn, hình thành xóm làng, chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề nông…

Còn theo sử Chăm, năm 1460, Vua Po Kathit nhường ngôi cho em trai là Trà Toàn và vị vua kế vị đã có chỉ dụ cho Công chúa Bàn Tranh được phép trở về đất liền. Thế nhưng, do yêu cuộc sống hiện tại trên đảo, công công chúa đã không về, sống vui vẻ đảo cho đến cuối đời. Khi công chúa qua đời, người dân trên đảo lập mộ chôn cất công chúa.

Với những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh, người dân trên đảo Phú Quý đã tôn vinh gọi đền thờ công chúa Bàn Tranh hay đền thờ Bà Chúa Xứ.

Clip: Đền thờ công chúa Bàn Tranh đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Nhạc nền Điệu Múa Chăm của NS Đinh Trung Hà. Thực hiện: Bùi Phụ- Đức Cường

Ghi nhận những công lao to lớn của công chúa Bàn Tranh, các vua Triều Nguyễn đã phong bà là Hiển dũng Chương uy Hùng nghị Đoan túc chi Thần. Từ đời vua Minh Mạng (1820-1840) cho tới vua Khải Định (1916-1925) đã ban tặng cho bà 8 sắc phong, giao cho ngư dân đảo Phú Quý thay nhau hương khói, phụng thờ…

Trong miếu thờ công chúa Bàn Tranh, còn một số di vật linh thiêng như bài vị, bệ thờ, liễn đối, hoành phi viết bằng chữ Hán, ca ngợi tài năng, công đức Công chúa Bàn Tranh như:

Hiển hách miếu thần ngàn năm còn đó Linh thiêng cung thánh vạn thuở chẳng dời. Câu đối khắc bằng chữ Hán gắn ở cột đền thờ có nội dung: Linh thần hiển hách phù trong đảo Giúp nước thay trời cứu vạn dân.

Công chúa Bàn Tranh “kỹ sư nông nghiệp” đầu tiên đưa giống cây nông nghiệp lên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận - Ảnh 7.

Một góc làng chài trên đảo Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ

Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ công chúa Bàn Tranh đã trải qua gần 400 năm tồn tại, do tác động của môi trường biển đảo khắc nghiệt nên ngôi đền đã được các thế hệ người Chăm và người Việt tiếp nối tu bổ, tôn tạo. Qua nhiều lần trùng tu, đền thờ công chúa Bàn Tranh vẫn giữ nguyên nét ban đầu và phần mộ của công chúa Bàn Tranh nằm trong đền thờ.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh hiện cũng là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở đảo Phú Quý và được nhiều khách du lịch gần xa đến viếng khi du lịch hòn đảo này.

Theo UBND huyện Phú Quý( Bình Thuận), đợt trùng tu năm 2009 đã làm cho diện mạo đền thờ trở nên bề thế và trang nghiêm với các hạng mục: Cổng chính, Cột cờ, Bình phong, Võ ca và Chính điện được phân bố trên một trục thẳng và bao bọc đền là hệ thống tường thành kiên cố.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh còn lưu giữ 3 bia thờ công chúa Bàn Tranh được tạc từ đá hoa cương màu xám xanh có niên đại khoảng 400 năm.

Do khi sống có nhiều công trạng trong việc khai khẩn đất đai, quy tụ nhân dân hình thành xóm làng, khi mất đi linh hiển bảo vệ vùng biển phía Nam của Tổ quốc, hộ trì dân đi biển tai qua nạn khỏi trong nhiều trận bão tố, nên công đức của Bà được truyền tụng:

Hạnh đức của Bà đời chiêm ngưỡng ngàn năm tôn kính

Công ơn sự nghiệp độ linh thiêng muôn thuở còn ghi.

Đền thờ công chúa Bàn Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 227/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2015.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem