Ngày 5/9, thông tin từ Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, bị cáo Phùng Anh Lê đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm.
Theo đó, bị cáo là cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có tội và bị oan.
Về diễn biến vụ án, sáng 14/8, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên án với bị cáo Phùng Anh Lê và 3 cựu thuộc cấp trong vụ không xử lý hình sự nhóm cướp vào năm 2016 ở Tây Hồ.
Bị cáo Phùng Anh Lê bị truy tố tội "Nhận hối lộ". 3 cựu thuộc cấp của Phùng Anh Lê ở Công an quận Tây Hồ bị truy tố tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".
Họ gồm Nguyễn Đức Châu - cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Vũ Công Ngọc - cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Lê Đình Trung - cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.
Ở phiên sơ thẩm, bị cáo Phùng Anh Lê bị đề nghị từ 9 đến 10 năm tù; Nguyễn Đức Châu bị đề nghị tù bằng thời hạn tạm giam (khoảng 10 tháng 27 ngày), trả tự do tại tòa; Vũ Công Ngọc bị đề nghị từ 8 đến 10 tháng tù, cho hưởng án treo; Lê Đình Trung cũng bị đề nghị từ 8 đến 10 tháng tù, cho hưởng án treo.
Cơ quan truy tố đánh giá, các bị cáo đều là những người có nhận thức pháp luật đầy đủ, rèn luyện nhiều năm trong lực lượng vũ trang, hơn ai hết các bị cáo đều phải hiểu nguyên tắc giải quyết các vụ án, vụ việc phải đảm bảo quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, từ giai đoạn tạm giữ, tạm giam đến sau này nhưng chỉ vì lợi ích vật chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn, bị cáo Phùng Anh Lê đã lạm quyền; các bị cáo Ngọc, Châu, Trung mặc dù biết thả đối tượng Tài là vi phạm nhưng bị cáo Châu, Trung không báo cáo lên cấp trên hoặc Viện Kiểm sát ngang cấp.
Với Phùng Anh Lê, bị cáo nguyên là Trưởng Công an quận Tây Hồ, là người trực chỉ huy Công an quận Tây Hồ đêm ngày 22/9/2016.
Lê biết rõ đối tượng Nguyễn Hữu Tài (đối tượng cướp tài sản năm 2016 nhưng Công an Tây Hồ không xử lý) đang bị tạm giữ hình sự để kiểm tra, xử lý nhưng khi được ông Phùng Văn Bảy (chú họ Lê) nhờ xử lý, bị cáo Lê lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình yêu cầu ông Bảy đưa 110 triệu để hòa giải nhưng thực chất đã chiếm hưởng số tiền này.
Ngay sau khi nhận tiền, bị cáo Lê đã chỉ đạo thả đối tượng Tài trái pháp luật.
Mặc dù quá trình điều tra, tại phiên tòa, Lê không khai nhận hành vi phạm tội, phủ nhận sự việc, tuy nhiên cơ sở chứng cứ thu thập hoàn toàn khách quan, đủ căn cứ khẳng định Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác chủ động gợi ý nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng từ ông Bảy, trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện tha trái pháp luật Tài khi đang trong thời gian thi hành quyết định tạm giữ.
Sau đó Lê chỉ đạo cấp dưới dừng việc giải quyết nguồn tin về tội phạm khi Công an quận Tây Hồ đang thụ lý, giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hình sự và cho tiến hành hòa giải, bồi thường giữa Tài và nạn nhân bị Tài và đồng phạm cướp tài sản.
Hành vi của Lê phạm tội nhận hối lộ; Lê giữ vai trò chính, chủ mưu, có vai trò chính. Với các bị cáo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung ý thức được hành vi tha trái pháp luật của mình nhưng đã thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phùng Anh Lê thả Tài ra khỏi Nhà tạm giữ để cho về khi không có các căn cứ, thủ tục theo quy định.
Trước khi tòa sơ thẩm tuyên án, Phùng Anh Lê đã từng nói trước tòa rằng mình không có tội, nếu tòa tuyên phạm tội, Lê sẽ kêu oan "đến khi nào không kêu được nữa thì thôi". Thậm chí Lê còn đem mẹ ra để thề độc, rằng không nhận hối lộ.
Sau nghị án, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã quyết định, xử phạt bị cáo Phùng Anh Lê 7 năm 6 tháng tù; xử phạt Nguyễn Đức Châu 10 tháng 28 ngày tù, ghi nhận bị cáo Châu đã chấp hành xong hình phạt, trả tự do ngay tại tòa; Vũ Công Ngọc 6 tháng tù, cho hưởng án treo; Lê Đình Trung 4 tháng 12 ngày tù, trừ thời gian tạm giam, ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.