Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện một số ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết đến thời điểm hiện tại (chiều tối ngày 5/9), ngân hàng vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào về hạn mức room điều chỉnh.
"Hiện tại, vẫn còn im ắng lắm, chưa thấy thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước về việc điều chỉnh room tín dụng thế nào cho ngân hàng. Nhưng theo thông tin đã rò rỉ từ trước nghỉ lễ, ngân hàng được cấp thêm kha khá. Vì vậy, có khi vẫn phải ngồi đợi. Hy vọng Ngân hàng Nhà nước sớm có phân bổ hạn mức tín dụng bổ sung để ngân hàng có cơ sở cấp vốn cho khách hàng", lãnh đạo một nhà băng lớn cho hay.
Còn theo một nguồn tin khác, chiều ngày 5/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các trường hợp có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đã giao đầu năm.
Như vậy, nhiều khả năng trong ngày hôm nay 6/9 văn bản về điều chỉnh hạn mức tín dụng bổ sung sẽ chính thức "tới tay" các ngân hàng thương mại.
"Chúng tôi được thông tin, ngày hôm nay (6/9) sẽ có thông tin chính thức về room tín dụng, chậm thì có thể sang ngày 7/9", đại diện một ngân hàng lớn chia sẻ với PV Dân Việt.
Trước đó, với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí.
Thứ nhất, dựa vào kết quả xếp hạng từng ngân hàng theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Hai là, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Như vậy, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB, HDBank (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB,...
Mới đây, SSI Research cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Không chỉ ngân hàng thương mại "ngóng" thông tin về nới room tín dụng, bản thân các doanh nghiệp cũng "nóng ruột" không kém, bởi mùa cao điểm sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa đã đến nhưng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng vẫn "chật vật" khi room tín dụng của các ngân hàng bị hạn chế.
Từ thực tế đó, hiện tượng một số ngân hàng tạm dừng cho vay mới một số lĩnh vực và nhóm khách hàng nổi lên từ tháng 4/2022. Căng thẳng này vẫn kéo dài cho đến nay.
Điều đáng nói, cùng với việc "cạn" room tín dụng, một số ngân hàng thương mại đã vô hình chung làm tăng lãi suất cho vay
Chia sẻ với PV, lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng ông phải áp dụng biện pháp kỹ thuật là tăng lãi suất cho vay thêm từ 0,5-1%/năm so với trước để hạn chế hồ sơ vay vốn đối với nhóm khách hàng cũ. Đối với nhóm khách hàng vay mới, do room tín dụng đã xài gần hết vì vậy việc cho vay đối với nhóm khách hàng này gần như không phát sinh. Ngân hàng ưu tiên cho vay mới với khách hàng nào chấp nhận trả lãi suất cao hơn.
Khảo sát của Dân Việt tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng cho thấy, so với trước lãi suất cho vay cũng đã tăng đáng kể.
Chẳng hạn, tại doanh nghiệp vật liệu xây dựng, lãi suất tính theo năm cũng đã tăng thêm 2 điểm % so với đầu năm. Hay như tại doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, đầu năm lãi vay doanh nghiệp phải trả là 6,2%/năm, tuy nhiên hiện tại lãi suất mà doanh nghiệp phải gánh lên tới 8%/năm.
Với doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Flamingo cho biết: "Trong bối cảnh room tín dụng bị siết chặt, lãi suất đang có chiều hướng tăng nhẹ dần theo điều tiết của từng ngân hàng".
Thống kê trên website của một số ngân hàng thương mại, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay hiện nay cũng đã tăng lên so với đầu năm. Ví dụ như tại ABBank, lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ngân hàng này vào đầu tháng 7 là 8,3%/năm đến nay cũng đã lên tới 8,8%/năm, tương ứng tăng thêm 0,5 điểm %.
Theo giới phân tích, thời gian tới lãi suất huy động sẽ tăng nhanh khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo đó lãi suất cho vay tiếp tục tăng cao trong các tháng cuối năm.
Công ty chứng khoán KB (KBSV) cũng nhìn nhận lãi suất huy động sẽ nhích lên nửa cuối năm trước áp lực lạm phát và nhu cầu tín dụng hồi phục. Với kịch bản lạm phát tăng 3,8%, KBSV dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4 - 0,7%/năm.