Người mua nhà khốn khổ vay tiền ngân hàng vì “cạn room” tín dụng

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 27/08/2022 12:35 PM (GMT+7)
Tình trạng cạn "room" tín dụng buộc các ngân hàng siết chặt hoạt động giải ngân cho vay. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp, người mua nhà muốn vay tiền ngân hàng nhưng bị từ chối hoặc phải "xếp hàng" chờ duyệt hồ sơ do các ngân hàng đã cạn room tín dụng cho vay.
Bình luận 0

Người dân vay tiền mua nhà gặp khó vì ngân hàng cạn room tín dụng

Động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản cùng với việc ngân hàng cạn room tín dụng cho vay khiến người có nhu cầu vay tiền mua nhà vất vả, chật vật xoay sở.

Đơn cử như chị Nhung (huyện Đông Anh, Hà Nội), có vốn khoảng 1,5 tỷ đồng, chị quyết định vay vốn ngân hàng thêm 1 tỷ đồng để mua một căn chung cư với giá 2,5 tỷ đồng. Sau khi đặt cọc 10% tổng số tiền mua nhà, chị làm các thủ tục vay vốn ngân hàng thì mới biết thông tin ngân hàng cạn room tín dụng nên không thể giải ngân cho vay đối với bất động sản dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, bao gồm cả việc chứng minh thu nhập thường xuyên.

"Tôi vô cùng lo lắng vì đã đặt cọc trước tiền mua nhà, nếu không giải quyết được thủ tục vay vốn ngân hàng thì tôi sợ sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc kia, thậm chí còn phải đền bù hợp đồng", chị Nhung lo lắng cho biết.

Người dân khó vay tiền mua nhà vì ngân hàng "cạn room" tín dụng (Ảnh: TN)

Người dân khó vay tiền mua nhà vì ngân hàng cạn room tín dụng (Ảnh: TN)

Cũng tương tự trường hợp chị Nhung, anh Mạnh (quận Long Biên, Hà Nội) có nhu cầu mua nhà để ở và anh tìm được căn chung cư với giá 2,8 tỷ đồng. Anh Mạnh quyết định vay thêm ngân hàng khoảng 1,5 tỷ đồng để có đủ tiền mua nhà và chấp nhận trả lãi cao hàng tháng. Mặc dù vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục vay tiền suốt gần 3 tuần qua anh Mạnh vẫn chờ thông tin giải ngân từ phía ngân hàng.

"Tôi hỏi phía ngân hàng thì nhận được thông tin là cạn room tín dụng nên phải chờ thêm thời gian.Tuy nhiên, tôi đang rất sốt ruột vì chủ nhà hối thúc thanh toán sớm, nếu không sẽ hủy hợp đồng và đòi bồi thường theo cam kết", anh Mạnh cho biết.

Đối với anh Tiến, nhà đầu tư bất động sản cho rằng thời gian gần thông tin cạn room tín dụng tràn ngập khắp nơi dẫn tới việc vay tiền mua nhà rất khó. Anh Tiến cũng làm thủ tục để vay tiền tuy nhiên phía ngân hàng yêu cầu anh phải mua thêm bảo hiểm khoản vay với mức giá là 1% số tiền vay thì khả năng được phê duyệt thủ tục vay nhanh chóng hơn.

"Hiện nay, để vay tiền ngân hàng mua nhà rất khó cho các nhà đầu tư hay người mua nhà để ở. Tôi thấy rất nhiều ngân hàng báo lại thông tin cạn room tín dụng nên từ chối các hợp đồng vay. Còn một số khác ra thêm điều kiện người vay mua thêm bảo hiểm khoản vay hoặc bảo hiểm tích lũy để được giải quyết khoản vay nhanh chóng hơn. Tôi thấy điều này rất kỳ lạ vì nếu cạn room tín dụng thì tại sao lại ép người đi vay tiền mua thêm bảo hiểm", anh Tiến phân tích.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho biết, theo quy định của pháp luật thì trong hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và khách hàng không có điều kiện bắt buộc mua bảo hiểm mà chỉ là khuyến khích. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng mua thêm bảo hiểm đối với khoản vay là thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng vay trên cơ sở ý chí tự nguyện của các bên. Nhân viên ngân hàng chỉ khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm căn hộ, bảo hiểm xe hoặc bảo hiểm khoản vay chứ không được ép họ mua bảo hiểm nhân thọ...

"Trên thực tế việc tham gia bảo hiểm với các khoản vay, nếu như khách hàng không may có sự cố xảy ra ngoài ý muốn, công ty bảo hiểm thay khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ, người vay cũng thoát khỏi giai đoạn khó khăn trước mắt," ông Lực cho biết.

Thị trường bất động sản chững lại bởi cạn room tín dụng cho vay

Tình trạng cạn room tín dụng đang trở thành rào cản trên thị trường vốn. Để được phê duyệt khoản vay, người dân có nhu cầu tín dụng, đặc biệt ở lĩnh vực bất động sản, thường mất nhiều công sức hoặc phải đáp ứng những điều kiện khắt khe từ ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng cạn room tín dụng vay bất động sản cũng như khó tiếp cận nguồn vốn vay có thể tiếp tục diễn ra trong những tháng tới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức độ sôi động trong giao dịch bất động sản và đưa thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng. Bên cạnh đó, chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản cho thấy đa phần người dùng cảm thấy không hài lòng trước khả năng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.

Không chỉ gặp khó khăn trong hành trình đi vay vì cạn room tín dụng, nhiều người dân còn phải thay đổi công việc, nếp sinh hoạt để có tiền trả nợ cả lãi suất và giá hàng hóa cùng "dắt tay" leo thang. Ví dụ, với khoản vay 1 tỷ đồng trả trong 5 năm cùng lãi suất cố định 7,6%/năm, mỗi tháng người vay phải trả 23 triệu đồng cho ngân hàng. Đây là một con số lớn với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.

Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng bởi cạn room tín dụng (Ảnh: TN)

Chuyên gia nhận định thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng trong thời gian tới (Ảnh: TN)

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo người mua nhà luôn cần tính toán kỹ khả năng và dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng. Bởi lẽ thông thường thời gian đầu vay vốn, khách hàng sẽ được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi, nhưng hết thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường. Do đó, dù lãi suất có neo thấp như thời điểm năm 2020-2021 thì cũng sẽ đến lúc lãi suất tăng cao.

"Trước khi mua nhà trả góp, đặt bút ký hợp đồng vay vốn dài hạn, người mua nhà cần phải tính toán chi tiết, cân nhắc kỹ càng để tránh trường hợp khi lãi suất tăng cao lại nằm ngoài khả năng thanh toán hoặc rơi vào tình huống đã đặt cọc mua nhà nhưng không thể nộp tiền đúng tiến độ vì không vay được tiền từ ngân hàng", ông Thịnh nhận định.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng nếu nguồn vốn cho bất động sản không được khơi thông sẽ khiến nguồn cung trở nên khan hiếm hơn, từ đó đẩy mức giá bất động sản cả ở phân khúc nhà ở lẫn cho thuê tăng cao. Mức giá bất động sản tăng lên bất thường sẽ thúc đẩy chi phí đầu vào của các ngành bán lẻ, sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp bất động sản vào hoàn cảnh khó khăn hơn, đặc biệt trong giai đoạn vừa trải qua hai năm kiệt quệ vì dịch Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem