Nội dung trên nằm trong Dự thảo Luật Phòng thủ Dân sự do Bộ Quốc phòng soạn thảo, trình Quốc hội xem xét.
Phòng thủ dân sự được xác định là một bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm phòng ngừa, khắc phục hậu quả chiến tranh; ứng phó thảm họa, sự cố về thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm.
Dự thảo quy định, trước khi phê duyệt các dự án và quyết định đầu tư khu đô thị, du lịch, công nghiệp… người có thẩm quyền phải thẩm định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng thủ dân sự; phê duyệt kế hoạch xây dựng hệ thống công trình phòng thủ.
Những công trình này có thể là công trình dự báo, cảnh báo; phòng chống địch tấn công bằng vũ khí thông thường hoặc hủy diệt lớn; công trình nghi binh; thiết bị phòng hóa; kho dự trữ; khu neo đậu tàu thuyền…
Việc xây dựng trường học, trạm y tế, trụ sở công phải tính đến yêu cầu kết hợp làm địa điểm sơ tán dân khi có thảm họa, sự cố; triệt để tận dụng các công trình ngầm hoặc bán ngầm làm hầm trú ẩn cho nhân dân, cơ quan, tổ chức.
Dự thảo có quy định cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong – ngoài nước xây dựng công trình ngầm để đảm bảo tính lưỡng dụng; khuyến khích người dân khi xây nhà ở có nội dung đảm bảo chống sự cố.
Bộ Quốc phòng phải chủ trì phối hợp các bên để tổng hợp danh mục phương tiện, thiết bị dùng trong chiến tranh, trình Thủ tướng xem xét đồng thời hướng dẫn sản xuất, dự trữ, sử dụng trong huấn luyện, diễn tập.
Theo Nghị định 81/2019, vũ khí hủy diệt lớn bao gồm: "Vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí sinh học và các vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí hủy diệt hàng loạt".