Viện KSND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", đề nghị điều tra bổ sung đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam).
Viện đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của bị can Nguyễn Phương Hằng; đồng thời, xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Hằng do Công an tỉnh Bình Dương khởi tố để giải quyết triệt để vụ án.
Đây là động thái được Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đưa ra sau hơn 5 tháng bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra.
Việc Viện KSND TP.HCM yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi đồng phạm của những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của bị can Nguyễn Phương Hằng nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, luật sư Lê Bá Thường - Giám Đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, khi Viện Kiểm sát trả hồ sơ vụ án, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung vai trò của đồng phạm là nhằm mục đích không bỏ lọt tội phạm, truy cứu đúng người đúng tội để vụ án được giải quyết nhanh chóng, khách quan, chính xác và những người phạm tội cần phải bị trừng trị, răn đe.
Luật sư Thường nhận định, việc điều tra bổ sung tội danh của đồng phạm có thể sẽ làm thay đổi tội danh của bà Nguyễn Phương Hằng. Bởi, theo quy định của pháp luật hình sự, đồng phạm là vụ việc có từ hai người trở lên cùng thực hiện một tội phạm và phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Luật sư diễn giải, người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Trong đó, người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm (khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015).
"Như vậy, trong trường hợp Viện Kiểm sát đang muốn truy tố vai trò của các đồng phạm giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng, thì tất cả sẽ bị truy tố theo tội danh “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng có thể sẽ bị truy tố với vai trò là chủ mưu, tội này sẽ nặng hơn các đồng phạm khác (Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015)" - luật sư Thường nói.
Từ đó, luật sư Thường nhận định, việc nhập vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng với Công an tỉnh Bình Dương là để giải quyết vụ án nhanh chóng, triệt để, tìm ra được các bị can và những người che dấu tội phạm, không tố giác tội phạm.
"Trong quá trình điều tra, sau khi nhập vụ án có thể sẽ phát hiện ra tình tiết mới từ những lời khai của các đồng phạm thì cấu thành tội phạm của bà Hằng có thể thay đổi tăng nặng (Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)" - luật sư Thường cho biết.
Trước đó, công an tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị này đã thụ lý cùng lúc nhiều đơn tố cáo của các cá nhân như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ Thủy Tiên, ca sỹ Vy Oanh, nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, bà Đinh Thị Lan… tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng đã có hành vi “vu khống”; “làm nhục người khác”; “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân”.
Theo chứng cứ những người tố cáo cung cấp, bà Nguyễn Phương Hằng đã dùng những lời lẽ nhục mạ, vu khống... họ trong các buổi phát sóng trực tiếp có lượng người theo dõi rất cao. Ngoài ra, nhà báo Hàn Ni còn tố bà Phương Hằng có hành vi “đe dọa giết người” và đề nghị công an có biện pháp bảo vệ.
Theo nguồn tin của Dân Việt, sau khi Viện KSND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã gia hạn tạm giam thêm 1 tháng 27 ngày đối với bà Hằng.
Thời hạn tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng tương ứng với thời hạn điều tra bổ sung - không quá 2 tháng, được tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung từ Viện KSND TP.HCM.