Lý do bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam

Dương Quỳnh Trang/zing.vn Thứ bảy, ngày 20/08/2022 16:12 PM (GMT+7)
Theo luật sư, sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Bình luận 0

Ngày 19/8, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp, đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. VKSND TP.HCM cũng đã phê chuẩn lệnh tạm giam đối với bị can Hằng. Thời hạn tạm giam là 19 ngày.

Trước đó, hồi tháng 6, xét thấy vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra, không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam. Do dó, cơ quan tố tụng tiếp tục tạm giam thêm 2 tháng đối với bị can Nguyễn Phương Hằng.

Lý do bà Nguyễn Phương Hằng tiếp tục bị tạm giam - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phương Hằng

Theo quy định pháp luật, những trường hợp nào bị can bị gia hạn tạm giam. Thời gian tạm giam tối đa có thể áp dụng là bao lâu?

Theo dõi vụ việc, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - TAT LAW FIRM) cho biết theo quy định về phân loại tội phạm quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự, thì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân là tội nghiêm trọng, mức cao nhất của khung hình phạt này là 7 năm tù.

Về thời hạn tạm giam, thời hạn gia hạn tạm giam, đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn tạm giam không quá 3 tháng. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn tạm giam. Trong trường hợp này có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 2 tháng.

"Đối với trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng, sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật Hình sự", luật sư Thảo nói.

Theo nữ luật sư, thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 240 của Bộ luật Hình sự. Cụ thể: 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hạn trên được tính kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra một trong các quyết định như truy tố bị can trước tòa án; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung hoặc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, viện trưởng VKS có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố, nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem