Triển khai từ đầu tháng 4/2022, Ban tổ chức cuộc thi " Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – đổi mới sáng tạo" lần 8 năm 2022 đã nhận được 164 bài thi của các dự án khởi nghiệp từ 40 tỉnh, thành. Sau vòng chấm sơ khảo, có 88 dự án nổi trội được chọn vào thi vòng bán kết.
Sau 3 vòng bán kết tại An Giang, Hà Nội và TP.HCM, khoảng 30 dự án sẽ được chọn vào thi Chung kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 tới.
Tại vòng bán kết 1 diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/9, có 23 dự án tham gia, thuộc các địa phương khu vực ĐBSCL, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương tham gia nhiều nhất với 10 dự án. Bến Tre đứng kế tiếp với 3 dự án. Chủ nhà An Giang cùng Cần Thơ đều có 2 dự án tranh tài. 6 dự án còn lại đến từ Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh.
Theo đánh giá sơ bộ từ Ban tổ chức, một số dự án có nhiều cơ hội vào chung kết có thể gọi tên như sữa thực vật của An Giang, Cocohand nâng tầm giá trị thủ công mỹ nghệ dừa Bến Tre, Sản xuất Dược trà – Khai thác giá trị dược liệu từ nông sản (Cần Thơ), sản xuất cua biển ứng dụng công nghệ cao của Cà Mau, Green Balance Store – Xanh hóa mô hình kinh doanh dựa trên lợi thế tài nguyên bản địa đến từ Đồng Tháp và Các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật từ ĐBSCL – dự án này thuộc Hậu Giang.
Tại vòng thi này, các dự án tham gia phải thể hiện được các nội dung như mục đích, lý do thực hiện dự án, quy trình và phương thức thực hiện, sự sáng tạo cũng như tính thực tế phù hợp với mục tiêu nông nghiệp phát triển phải bền vững, có tính hỗ trợ và tác động đến cộng đồng.
Dự án khởi nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở ứng dụng tài nguyên bản địa, có tính tăng trưởng bền vững, có ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh sinh lợi nhuận, cách thức thực hiện và tính khả thi cao.
Sau khi công bố kết quả vòng sơ loại, các dự án lọt vào bán kết đã được Ban tổ chức tập huấn, góp ý và có sự điều chỉnh bài thi nên chất lượng được cải thiện. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho bài thi về cách phát triển dự án sẽ giúp các thí sinh tự tin trong phần thi thuyết trình trước ban giám khảo.
Điểm đáng chú ý ở vòng bán kết thứ nhất là có sự phối hợp đồng tổ chức của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hiệp Hội doanh nghiệp và Trung tâm kinh doanh VNPT - tỉnh An Giang. Đồng thời, trong tiêu chí chấm điểm có thêm nội dung dành cho công tác trưng bày, nhận diện thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp. Khách hàng chính là các giám khảo, chuyên gia trực tiếp khai thác thông tin về sản phẩm, quy trình sản xuất, công nghệ, bao bì, các chiến lược kinh doanh, giá bán, tác phong và nội dung tiếp thị, giới thiệu sản phẩm với khách hàng…
Đây là cách để các chuyên gia nhìn nhận rõ hơn về khả năng bán hàng, tương tác với khách hàng của từng dự án. Ban giám khảo đánh giá và có những góp ý nhằm giúp các dự án tìm ra phương pháp giải quyết bài toàn thị trường hiệu quả nhất.