Thông tin trên được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định tại "Hội thảo Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam", tổ chức chiều 7/9 tại TP.HCM. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết TP.HCM là cửa ngõ, đầu mối giao thông nối với các tỉnh thành trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt.
TP.HCM hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng (trong đó có 324 khách sạn hạng từ 1-5 sao), 1.280 doanh nghiệp lữ hành và gần 7.000 hướng dẫn viên du lịch với 60% là hướng dẫn viên quốc tế.
"Với nét đặc trưng có nhiều kiến trúc, di sản nổi tiếng cùng với cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, TP.HCM có cơ hội rất lớn tận dụng và đón đầu xu hướng du lịch này, gia tăng lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác trên thế giới", bà Thắng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để khôi phục ngành du lịch sau đại dịch, TP đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp du lịch đóng trên địa bàn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm du lịch mới, mang tính độc đáo và sáng tạo, nhằm thu hút du khách thập phương trở lại; song song đó, còn triển khai nhiều chương trình kích cầu và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.
8 tháng qua, TP.HCM đã đón 18,15 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tổng thu du lịch ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 93% so với kế hoạch năm 2022.
Các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá du lịch kinh doanh trở thành một xu hướng nổi lên gần đây. Người đi công tác tranh thủ thời gian để kết hợp với một số hoạt động giải trí, có thể bao gồm từ tham quan và thư giãn, cho đến đi bộ đường dài, thăm các địa điểm giải trí hoặc tham dự các sự kiện, nhằm khám phá điểm đến ngoài thời gian làm việc của mình.
Bà Lê Thị Việt Thu - Tổng giám đốc Nova Hospitality, đánh giá du lịch kinh doanh thường là phân khúc khách cao cấp, chi tiêu cao, đây là nhóm khách tiềm năng mà ngành du lịch nhắm tới. Các sản phẩm du lịch dành cho nhóm khách này vừa phải độc đáo, vừa phải hấp dẫn và có cả những trải nghiệm mang tính địa phương.
"Thông qua việc kết hợp với Chính phủ, các Sở ban ngành địa phương, cũng như không ngừng hợp tác với các đơn vị vận hành khách sạn hàng đầu thế giới, nhằm góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm của những chuyến công tác kết hợp tham quan và nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực", bà Thu nói.
Thông qua việc tổ chức hội thảo, ngành du lịch TP.HCM mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và khu vực cái nhìn toàn diện về xu hướng, tiềm năng của du lịch kinh doanh hiện nay, cũng như các phương pháp tiếp cận và khai thác thị trường du lịch kinh doanh tại TP.HCM và Việt Nam.