Trong đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trong 51 vùng trồng trong cả nước được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu thì có đến 23 vùng trồng đến từ tỉnh Đắk Lắk (là tỉnh đứng thứ 2 trên cả nước về diện tích trồng sầu riêng).
Trong số 23 vùng trồng của tỉnh Đắk Lắk được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu thì nơi được cho là "thủ phủ sầu riêng" của tỉnh là huyện Krông Pắc đóng góp nhiều nhất với 17 vườn trồng; 4 vườn trồng của huyện Krông Búk, 1 vườn trồng của TX Buôn Hồ và 1 vườn trồng của TP Buôn Ma Thuột.
"Cán bộ Hải quan Trung Quốc rất nỗ lực trong việc kiểm tra trực tuyến đánh giá các mã số vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện để được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho thấy thiện chí của phía Trung Quốc đối với vua của các loại trái cây Việt Nam", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Đây là một kết quả rất đáng mừng cho thấy đa số các mã số vùng trồng của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đã đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), nhằm triển khai các nội dung của Nghị định thư về xuất khẩu sẩu riêng từ Việt Nam sang Trung quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) tổ chức kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Việt Nam.
"Đắk Lắk là một trong những địa phương rất quyết liệt thực hiện các tiêu chí phía Trung Quốc đưa ra, lãnh đạo, chính quyền vào cuộc cùng nông dân, doanh nghiệp để xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc. Nhờ đó, quá trình đánh giá rất thuận lợi, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định của Trung Quốc", bà Hương khẳng định.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 12.000ha sầu riêng, trong đó huyện Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích hơn 3.300ha; sản lượng bình quân 45.000-50.000 tấn/năm.
Những năm qua, người dân trong huyện từng bước sản xuất sầu riêng bền vững, nâng cao chất lượng sầu riêng từ vườn đến trái thành phẩm. Trong số đó, có gần 600ha sầu riêng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; 730ha sầu riêng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng…