Vượt hơn 250km từ TP. Vinh (Nghệ An) chúng tôi tìm về thăm bà Vi Thị Minh (SN 1949, trú tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An).
Bước qua cánh cửa được đan bằng tre nứa, chúng tôi thấy bà Minh với khuôn mặt khắc khổ, gầy khô đang chuẩn bị bữa trưa bên bếp. Thấy những vị khách lạ bà tỏ ra rất bất ngờ vội đậy nồi thức ăn đang nấu trên bếp, cố gắng đứng dậy để chào mọi người.
"Xã mới đến trao quà, cho gạo rồi, bây giờ mọi người lại đến cho nữa à, bà vẫn còn gạo để ăn mà" - Bà Minh nói vì nghĩ chúng tôi là những đoàn từ thiện đến trao quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Bữa trưa của bà chỉ có nắm rau rừng được xào qua rồi bỏ thêm chút muối, mắm để có vị ăn với cơm. Trong căn nhà không có một thứ gì đáng giá ngoài chiếc thùng bằng tôn nhỏ để bà cất giữ tài sản quý nhất là hơn nửa bao lúa còn lại từ vụ trước, với chiếc quạt được chính quyền địa phương trao tặng.
Nhà của bà đã bị dột, phía trong được che chắn bởi những tấm bạt cũ nát để chắn gió. Phần mái nhà đã hư hỏng, mưa xuống thì không tránh đâu cho khỏi ướt. Ngôi nhà ấy cũng khốn khổ như chính cuộc đời của người phụ nữ nơi bản làng.
Bà Minh cho biết, bà mồ côi mẹ từ nhỏ, là chị cả trong nhà có 5 người con nên bà theo lên rẫy đi làm kiếm cái ăn cho cả nhà. Khi các em lớn thì bà cũng đã nhiều tuổi, lúc này bà mới quen một người đàn ông nhưng khi biết bà Minh mang bầu thì người này cũng bỏ đi.
Số phận người phụ nữ ở bản làng vùng sâu, vùng xa của xứ Nghệ trải qua hết cái khổ này lại đến bể khổ khác. Bà phải chịu đủ điều tiếng từ bản trên, làng dưới, đi đâu cũng phải nhận cái nhìn dò xét của mọi người khi không có chồng lại mang bầu, sinh con.
Bà Minh cứ thế lầm lũi một mình nuôi con. Hai mẹ con bữa rau bữa cháo sống qua ngày. Có những lúc vào mùa giáp hạt, cái ăn trong nhà không có hai mẹ con phải đào củ rừng ăn, uống nước cầm hơi.
Mọi sự vất vả bà chịu đựng và tình yêu thương bà dành hết cho con. Nhưng xót xa hơn khi người con trai của bà là anh Vi Văn Chửng (SN 1982) cũng không được nhanh nhẹn như những người khác. Đến bây giờ anh Chửng vẫn chưa lập gia đình. Ngày nắng anh chỉ biết vào rừng làm măng về bán được chút tiền để kiếm cái ăn cho hai mẹ con.
Là hàng xóm với bà Minh, anh Vi Văn Chung cho biết: "Gia cảnh bà Minh ai cũng thương, nhìn nhà cửa mỗi lúc mưa gió không có chỗ nào là không bị dột. Nhiều đêm, trời mưa tôi dìu sang nhà tôi ngủ. Thương bà nhưng không biết làm sao!".
Những năm gần đây, bà Minh lại thường xuyên đau ốm.
"Bây giờ đau không đi được ra khỏi nhà. Bụng ăn cái gì cũng đau, hai chân hai tay cũng thế đau lắm. Nhưng không có tiền mà đi bệnh viện nên cũng không biết mình bị bệnh gì" - bà Minh chia sẻ.
Từ bé, anh Lang Đình Tiệp (SN 1981, hàng xóm của bà Minh) đã chứng kiến sự nghèo khó, vất vả của bà. Giờ đây, khi đi làm ăn xa và có điều kiện hơn, mỗi lần về quê anh lại ít nhiều dành tặng bà cân gạo.
Anh Tiệp chia sẻ: "Hàng xóm ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Minh. Riêng tôi, mỗi lần về quê, đều mua gạo và thức ăn để phụ giúp bà. Tuổi đã già, bà mang nhiều căn bệnh trong người, nhưng lại không có điều kiện đi khám. Thương bà lắm nhưng tôi cũng chỉ có thể giúp bà được như vậy thôi".
Hôm nay, anh Chửng lại vào rừng hái măng nên bà Minh ở nhà một mình. Nhìn bà đang cố nuốt từng miếng cơm với nắm rau rừng mà khiến ai nấy đều rớm nước mắt. Cuộc đời của cô gái bản từ lúc sinh ra đến nay đã trở thành một cụ bà 73 tuổi chưa ngày nào đỡ khổ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lương Văn Năm - Chủ tịch xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết: "Biết hoàn cảnh rất khó khăn của gia đình bà Vi Thị Minh, hàng năm, chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi động viên tặng quà. Những ngày lễ tết chính quyền xã biếu bà ít gạo, thịt lợn, chai nước mắm, quần áo mong hai mẹ con bà có một cái tết ấm áp như mọi người.
"Chính quyền cũng nhiều lần vận động các nhà hảo tâm mong muốn xây dựng cho bà một căn nhà đỡ mưa gió, bão bùng nhưng vẫn chưa thực hiện được. Là người đứng đầu chính quyền xã, tôi rất áy náy về hoàn cảnh của gia đình bà Minh. Qua đây, tôi mong rằng các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm giúp đỡ hỗ trợ gia đình bà Minh có một mái nhà tránh mưa tránh gió trong những năm cuối của cuộc đời" - Ông Năm cho biết thêm.
Rời ngôi nhà ấy nhưng hình ảnh cụ bà với khuôn mặt khắc khổ cố nuốt bát cơm với nắm rau rừng khiến chúng tôi không thể nào quên được.