Theo hãng thông tấn nhà nước KCNA, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã thông qua luật này hôm 8/9.
"Ý nghĩa quan trọng nhất của việc lập pháp chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể cứu vãn, để không thể có sự thương lượng về vũ khí hạt nhân của chúng ta", ông Kim phát biểu trước Quốc hội nước này, Reuters đưa tin.
Động thái này diễn ra giữa lúc có nhiều lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Triều Tiên đã tuyên bố họ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trong hiến pháp, nhưng luật mới này còn vượt ra ngoài điều đó để nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, bao gồm việc để đáp trả một cuộc tấn công hoặc ngăn chặn một cuộc xâm lược.
Luật này cũng cho phép tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các "mục tiêu chiến lược" của đất nước.
Luật này cũng cấm mọi hành vi chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân với các nước khác, KCNA đưa tin.
Một thành viên tại Quốc hội Triều Tiên cho biết luật này sẽ là một bảo đảm pháp lý mạnh mẽ để củng cố vị thế của Triều Tiên như một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đồng thời đảm bảo "tính minh bạch, nhất quán và tiêu chuẩn" trong chính sách hạt nhân của nước này.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị thảo luận với ông Kim Jong Un bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết nước này sẽ cung cấp viện trợ kinh tế lớn nếu Bình Nhưỡng bắt đầu từ bỏ kho vũ khí của mình.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ những tuyên bố đó, nói rằng Mỹ và các đồng minh duy trì "các chính sách thù địch", như biện pháp trừng phạt hay các cuộc tập trận quân sự. Điều đó đã làm suy yếu thông điệp hòa bình của họ.