Bảo vật Quốc gia là những hiện vật, nhóm hiện vật mang tính độc bản, hình thức độc đáo, có giá trị tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hoá, khoa học…
Những Bảo vật Quốc gia tại Phú Thọ chứa đựng giá trị khoa học quý giá và hơn hết, đó là minh chứng rõ ràng, chân thực về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Nhắc đến hiện vật thời đại Hùng Vương và giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên ở Phú Thọ, không thể không nhắc tới một báu vật đặc biệt là những chiếc nha chương. Bảo vật quốc gia này là một minh chứng quan trọng trong việc nghiên cứu sự ra đời và phát triển của thời đại Hùng Vương, vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, nha chương là một loại hình hiện vật rất độc đáo, có công dụng giống như chiếc quyền trượng hay lệnh bài biểu trưng cho quyền lực của thủ lĩnh dùng để điều binh khiển tướng.
Bộ sưu tập nha chương gồm 4 chiếc, được người Phùng Nguyên chế tác bằng kỹ thuật ghè, đẽo, khoan, cưa tạo các rãnh nhỏ đối xứng nhau, tạo các lỗ thủng xuyên tâm rất tinh xảo. Bên cạnh đó là kỹ thuật mài nhẵn, bóng, mài vát hình chữ V, hình đuôi cá đạt trình độ thẩm mỹ cao.
Việc chọn chất liệu đá ngọc và sử dụng kỹ thuật chế tác đá tương thích để làm nên nét độc đáo của chiếc nha chương càng, chứng tỏ sự phát triển đỉnh cao của cư dân Phùng Nguyên trong việc chế tác đá.
Hiện nay, nha chương ở Việt Nam mới chỉ được phát hiện 8 chiếc tại 2 di chỉ khảo cổ Phùng Nguyên và Xóm Rền của tỉnh Phú Thọ. Việc nghiên cứu, tìm hiểu về những chiếc nha chương đã cho thấy vùng đất Tổ Phú Thọ chính là quê hương tập trung nhiều những hiện vật điển hình, đặc sắc của nền văn hóa Phùng Nguyên, góp phần hình thành nên nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng.
Bảo vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ hiện thờ tại đền Mẫu Âu Cơ (xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), được tạc trên chất liệu gỗ mít, sơn son thếp vàng.
Tượng Mẫu Âu Cơ là hiện vật gốc độc bản, được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của thời đại dành cho phức hợp đình - đền - miếu.
Sự độc đáo của tượng Mẫu Âu Cơ trước hết là hình ảnh một người phụ nữ ngồi trên ngai vua với biểu tượng rồng, hổ phù và phượng – vốn chỉ có nhà Vua, Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu được sử dụng như một trong những biểu hiện của quyền lực.
Những thành tố ấy, đồng thời cũng là thành tố của nghệ thuật cung đình, chỉ xuất hiện ở những cung điện, đền miếu tại Hoàng cung và những nơi thờ tự được triều đình chăm lo, coi sóc với tư cách là những Quốc Từ, Quốc Tự, Quốc Miếu.
Đền Mẫu Âu Cơ là Quốc Từ, mẹ Âu Cơ là Quốc Mẫu, theo đó, hình ảnh phượng, hổ phù trên ngai tưởng như là một sự hiển nhiên, nhưng dưới con mắt của những Nho gia thuộc chế độ phong kiến trung ương tập quyền là một biệt lệ "độc nhất vô nhị".
Chính vì thế, pho tượng mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ hoàn toàn khác biệt và mang giá trị độc đáo so với những tượng Mẫu khác được thờ trên cả nước.
Bảo vật Quốc gia trống đồng Đền Hùng được tìm thấy ngày 5/8/1990 ở phía Tây núi Nghĩa Lĩnh, cách Đền Hùng gần 500m. Trống đồng Đền Hùng đang được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương (Khu di tích lịch sử Đền Hùng).
Theo các nhà khảo cổ học, trong tổng số gần 1.000 trống đồng Đông Sơn được tìm thấy đến nay, đây là chiếc trống đồng thuộc loại Heger I duy nhất tìm được quanh khu vực Đền Hùng nói riêng và khắp vùng tả ngạn sông Thao (từ Lào Cai về đến Việt Trì).
Trống đồng Đền Hùng được đúc liền mạch, kết cấu vững chãi, với kỹ thuật luyện kim đúc đồng tinh xảo, hoa văn, chi tiết phản ánh sinh động cuộc sống xã hội cổ đại trên lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả đã chứng minh "sự xuất hiện một nền văn hóa rực rỡ của người Lạc Việt".
Trống đồng Đền Hùng có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm và nặng 90kg. Trống gồm 4 phần, trong đó phần mặt trống nổi bật vì được đúc khá dày và trang trí tinh xảo. Chính giữa mặt trống là hình mặt trời có đường kính 20cm. Viền quanh mặt trời là 3 đường chỉ trống tạo ra 3 vòng tròn đồng tâm.
Đặc biệt, trên mặt trống thiết kế dày đặc tới 9 vành hoa văn trang trí đa dạng các vòng, vạch, đường tròn, hình người và hình chim lạc, tượng cóc... Hình người được cách điệu, hình chim lạc, cóc rất sinh động cho thấy nghệ thuật trang trí đã đạt mức điêu luyện.
Phần thân trống chứng minh rõ nét sự tồn tại của người Lạc Việt thời cổ đại thông qua việc trang trí 6 thuyền chở các hình người được hóa trang thành chim trên 5 vành hoa văn. Các thuyền, hình người được bố trí đồng đều, xen kẽ giữa các hoa văn lông công, vành tròn, vạch xiên...
Phần đế trống và quai trống trang trí hình bông lúa phản ánh nền nông nghiệp của người Lạc Việt cổ đại.
Bảo vật Quốc gia bộ khóa đai lưng bằng đồng được khai quật tại di chỉ khảo cổ học Làng Cả (phường Thọ Sơn, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào năm 1976. Hiện bộ khóa đai lưng bằng đồng đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Bộ khóa thắt lưng bằng chất liệu đồng thau, màu xanh xám, gồm 4 cặp rùa (8 con) móc lại với nhau. Theo nghiên cứu của các nhà lịch sử, khoa học, bảo vật này biểu trưng cho quyền lực của thời Hùng Vương, người đeo bộ khóa đai lưng bằng đồng này là các thủ lĩnh.
Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương.
Đặc biệt, nghệ thuật trang trí rất tinh tế và có tính biểu tượng cao với việc tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình bốn con rùa và xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S.
Hình rùa chạm trên mặt đai lưng cũng đã được cách điệu rất độc đáo. Chính nhờ điều này mà bộ khóa đai lưng bằng đồng thời Hùng Vương được các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đề nghị xếp vào danh mục bảo vật Quốc gia còn vì sự hiếm có của nó.
Bảo vật Quốc gia bệ đá hoa sen ở chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) có niên đại trên 700 năm.
Bệ đá hoa sen ghép từ 71 phiến đá xanh trạm trổ kỳ công, đặt ở giữa chùa, cấp trên đỡ ba tòa tam thế. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần - một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc với hào khí Đông A lần lượt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông.
Bệ đá hoa sen cấu tạo hình chữ nhật, cao 1,05m, rộng 1,25m, dài 3,30m. Trong đó, cánh sen được cách điệu, chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật điêu khắc bệ đá.
Cùng với hình ảnh bông sen, cuộc sống trần thế cũng được miêu tả sinh động qua các hoạ tiết dân gian như: Cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở xoè…
Bốn góc bệ, tầng ba, tầng bốn có bốn linh điểu vững chãi, mặt hình nhân, dưới ngực có bốn lá đề cách điệu, trán khắc chữ "vương", cổ, chân và thân đều thắt hoa. Bệ đá hoa sen là tác phẩm có giá trị nghệ thuật sâu sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần – thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy nhấn mạnh, 5 Bảo vật Quốc gia tại tỉnh Phú Thọ thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau, có ý nghĩa, giá trị rất đặc biệt. Các hiện vật được tìm thấy, lưu giữ đã chứng minh văn hóa thời đại Hùng Vương tồn tại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ lâu đời.
Trong đó, Bảo vật Quốc gia Tượng Mẫu Âu Cơ có giá trị độc bản, gắn với văn hóa thời đại Hùng Vương là hiện vật chứng minh cho tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Điểm đặc biệt, đây là tín ngưỡng thờ người Mẹ sinh ra dân tộc Việt, gắn liền với cuộc sống nhân sinh, lịch sử dân tộc và quá trình khai sinh lập ấp, hình thành dân tộc… Khẳng định truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt.
Bảo vật Quốc gia là tài sản vô giá, không những có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, khoa học, các bảo vật quốc gia còn có ý nghĩa về chính trị, kinh tế…
Vì vậy, ngoài việc bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật Quốc gia, còn cần chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu, xuất bản các ấn phẩm chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật, là các tài liệu hữu ích và cần thiết trong tôn vinh, quảng bá văn hóa, lịch sử cũng như các giá trị tốt đẹp của dân tộc với du khách trong nước và quốc tế, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong hành trình trở về với nguồn cội.