Phú Thọ: Học sinh mặc áo the, hát Xoan rộn ràng trong ngày khai giảng

Hoan Nguyễn Thứ hai, ngày 05/09/2022 10:48 AM (GMT+7)
Học sinh Trường Tiểu học Gia Cẩm (TP.Việt Trì, Phú Thọ) mặc áo the, hát Xoan rộn ràng trong ngày khai giảng năm học 2022-2023.
Bình luận 0

Áo the rộn ràng, hát Xoan trong ngày khai giảng

Sáng 5/9, gần 400.000 học sinh tại 892 cơ sở giáo dục (mầm non, tiểu học, THCS và THPT) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bước vào năm học mới 2022-2023. 

Có mặt ở trường từ sớm, các em học sinh của trường tiểu học Gia Cẩm đều mặc áo the - trang phục truyền thống hát Xoan đến trường trong ngày khai giảng.

Lễ khai giảng diễn ra trang trọng, ngắn gọn, ngay sau đó là các tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới. Trong đó, tiết mục đặc biệt nhất phải kế đến hát Xoan của do các em học sinh biểu diễn.

Phú Thọ: Học sinh rộn ràng múa, hát Xoan Ngày khai trường  - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học Gia Cẩm (TP.Việt Trì, Phú Thọ) mặc áo the, hát Xoan trong ngày khai giảng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Em Nguyễn Thuý Diễm (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Gia Cẩm) vui vẻ cho biết, ngày khai giảng năm học mới 2022-2023, chúng em được mặc trang phục hát Xoan đến trường múa, hát nhộn nhịp, khoẻ khoắn, rất vui tươi, thú vị. 

“Từ lớp hai, em đã được thầy cô hướng dẫn tìm hiểu những giá trị của hát Xoan, được học hát Xoan và giao lưu với các đào, kép nhí ở các phường Xoan gốc. Giờ em đã có thể hát và biểu diễn một số làn điệu Xoan như: Xe chỉ vá may, Trồng bông hứng đậu, Ðèn thương ai…”, em Diễm bộc bạch.

Chia sẻ với PV, em Tạ Toàn Đức (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Gia Cẩm) nói: “Em thích học hát Xoan hơn các thể loại âm nhạc khác mặc dù có những bài rất khó học. Ngoài việc học hát ở trường, em còn được học từ nghệ nhân và học ở các buổi học hát Xoan với mọi người trong phường Xoan nơi em sinh sống”.

Phú Thọ: Học sinh rộn ràng múa, hát Xoan Ngày khai trường  - Ảnh 2.

Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Cẩm và các em học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trường học gắn với bảo tồn di sản văn hóa

Trong những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả mô hình "trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa".

Nhiều mô hình tiêu biểu, có cách làm sáng tạo, giúp học sinh hiểu hơn về các giá trị truyền thống, giá trị trường tồn của các di sản văn hóa vùng Đất Tổ, đặc biệt là di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các nhà trường đã đổi mới phương pháp dạy học, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc.

Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường tiểu học Gia Cẩm cho biết, ngay từ khi triển khai, trường đã chọn việc bảo tồn, phát huy di sản hát Xoan làm chủ đề chính của mô hình.

Để các em học sinh tiếp cận với hát Xoan, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, quảng bá hát Xoan dưới nhiều hình thức, như truyền dạy, treo pano, áp phích trong và ngoài trường, thành lập câu lạc bộ hát Xoan tại các lớp.

Hằng tuần, hằng tháng, ngoài việc dạy hát trong giờ âm nhạc, trường còn mời nghệ nhân các phường Xoan gốc đến trực tiếp giảng dạy cho học sinh. Đến nay, học sinh trong trường đã hiểu được nguồn gốc, ý nghĩa, yêu quý của hát Xoan.

Phú Thọ: Học sinh rộn ràng múa, hát Xoan Ngày khai trường  - Ảnh 3.

Phú Thọ xây dựng mô hình trường học gắn với bảo tồn di sản văn hóa, giúp học sinh biết trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc. Ảnh: Hoan Nguyễn

Theo ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ tích cực thực hiện mô hình trường học gắn bảo vệ các di sản văn hóa đến tất cả cấp học.

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, tỉnh Phú Thọ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng mô hình "Trường học gắn với di sản văn hóa" để đẩy mạnh công tác giáo dục trong nhà trường về giá trị hai di sản: Hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ.

Phú Thọ: Học sinh rộn ràng múa, hát Xoan Ngày khai trường  - Ảnh 4.

Ngày hội khai trường diễn ra sôi nổi, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đồng thời, ngành giáo dục Phú Thọ cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức các di sản; tăng cường phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các phường Xoan gốc, các nghệ nhân để tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, cộng đồng trong việc truyền dạy hát Xoan ở các cơ sở giáo dục, từ đó, giúp học sinh biết quý trọng, phát huy những giá trị của di sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem