Nông dân + Nhà khoa khoa học = Thành công
Đó là công thức trồng sầu riêng xuất khẩu bất bại của lão nông Lê Văn Sáu (tên thường gọi Sáu Bờ, SN 1944, ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đúc kết sau gần 35 năm trồng sầu riêng.
Ông Sáu nhớ lại khoảng năm 1976, khi mới ra riêng vợ chồng ông được cha mẹ cho đúng 5 công đất ruộng. Gần 10 năm làm ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Sau nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ lúa sang mía, rồi cam sành, nhưng vẫn không khấm khá nỗi.
Trong một lần được Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đưa sang Tiền Giang học tập mô hình trồng sầu riêng, về nhà ông nghiên cứu chỉ có cây sầu riêng là bán có giá nhất trong các loại cây có múi.
Ông Sáu bắt tay vào cải tạo lại vườn, chuyển toàn bộ 5 công đất ruộng sang trồng sầu riêng khổ qua xanh, với khoảng 100 gốc. Vụ trái đầu tiên ông vô cùng phấn khởi vì lợi nhuận từ trồng sầu riêng đạt gấp mấy chục lần trồng lúa. Từ đó ông tích lũy mua thêm đất chuyển sang trồng sầu riêng đến nay lên gần 6ha.
Hiện nay, vườn sầu riêng của ông Sáu có 1.000 gốc, trong đó có 900 gốc đang cho trái, năng suất khoảng 15 tấn/ha, tăng khoảng 5 tấn so với những năm trước. Trong vụ sầu riêng 2022 vừa qua, ông thu hoạch được 95 tấn với giá giao động từ 45.000-48.000 đồng/kg.
Gần 35 năm trồng sầu riêng, trong đó có 15 năm trồng sầu riêng xuất khẩu, ông Sáu chưa từng rơi vào tình trạng được mùa mất giá, mà sầu riêng ông luôn trúng mùa, trúng giá.
Để trồng sầu riêng thành công như ngày hôm nay, ông Sáu chia sẻ, lúc mới trồng sầu riêng ông đã tự tìm tòi học hỏi từ các nơi, đến nhiều nơi có diện tích sầu riêng lớn như: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng vào vườn cây nhà mình.
Tuy nhiên, để trồng sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, 80-90% sầu riêng đạt loại 1 như của ông ngày hôm nay phải nhờ có sự hỗ trợ của nhà khoa học.
Ông Sáu nhớ lại: Trồng sầu riêng khổ qua được một thời gian ông bắt đầu chuyển sang trồng sầu riêng xuất khẩu. Lúc này ông chọn giống Ri6 và Monthong là 2 cây giống chủ lực. Vì giống mới nên tỷ lệ đậu trái không cao, cây hay bị sâu bệnh, nên ông tìm tòi nghiên cứu mọi cách để trị.
Một lần xem ti vi ông biết đến GS,TS Trần Văn Hâu (Khoa Trồng trọt, trường Đại học Cần Thơ), ông đã mạnh dạn chặt nhánh sầu riêng có bệnh và quả bị sâu tìm đến tận khoa Trồng trọt, trường Đại học Cần Thơ để nhờ GS "bắt bệnh". Sau vài lầu được GS,TS Trần Văn Hâu hướng dẫn tận tình cách làm trị bệnh cho cây, kỹ thuật làm thế nào cho ra bông theo ý muốn, làm thế nào đậu trái cao và làm thế nào để có trái đẹp, đạt chuẩn xuất khẩu... ông Sáu đã thành công.
"Tất cả đều phải có sự hướng dẫn của nhà khoa học tôi mới có thành công như ngày hôm nay. Nông dân cần cù, chịu khó học hỏi là một chuyện, nhưng cần phải có nhà khoa học để hướng dẫn đúng kỹ thuật thì mới thành công. Chứ mình làm rồi tự rút kinh nghiệm sẽ rất khó thành công được"- ông Sáu chia sẻ.
Chuyên trồng sầu riêng xuất khẩu
Thế là từ đó ông Sáu giữ mối liên hệ chặt sẽ với GS,TS Trần Văn Hâu, hễ có gì cần là ông sẽ gọi điện nhờ Nhà khoa học tư vấn ngay. Thấy ông Sáu cần cù, chịu khó học hỏi, GS Hâu còn đích thân xuống tận vườn sầu riêng của ông để hướng dẫn. Từ đó vườn sầu riêng 6ha nhà Sáu luôn là niềm mơ ước của bà con nông dân trong khu vực.
Chia sẻ kỹ thuật, ông Sáu cho biết, để trồng sầu riêng hiệu quả, liếp phải cao, mặt bờ cách mặt nước ít nhất từ 7-8 tấc, khoảng cách trồng sầu riêng thích hợp nhất là từ 7-8m/cây.
Sầu riêng là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại rất khó trồng, kén đất và nguồn nước. Ông Sáu đã phải mày mò và nghĩ ra nhiều cách để cây không bị ngập úng cũng như phát triển tốt bằng việc xẻ rãnh thoát nước theo từng ô. Còn để giữ ẩm cho đất và hạn chế xói mòn đất khi tưới, ông trồng cỏ xung quanh gốc sầu riêng.
"Trước khi trồng, cần phải làm đất thật kỹ, phần đất mặt dùng để vun vào gốc cây, còn đất bên dưới thì trải đều ra bên ngoài gốc. Khi cây phát triển, bộ rễ dài ra thì lớp đất bên ngoài cũng đã hết phèn, cây không bị ảnh hưởng. Nguồn nước phải đảm bảo sạch và thường xuyên được thay đổi, tránh để ứ nước quá lâu. Giai đoạn ra hoa, kết trái tuyệt đối không để cây dư nước, nếu gặp trời mưa nhiều phải tháo nước trong kênh, đảm bảo cây không ngập úng" – ông Sáu chia sẻ.
Thấy việc bón phân hóa học nhiều khiến đất đai bị thoái hóa, chi phí lại cao nên ông nghĩ ra cách dựng chuồng, treo lá thốt nốt để dụ dơi vào ở, lấy phân bón cho cây. Mỗi ngày ông thu được 10kg phân, nhờ đó mà vườn sầu riêng nhà ông lúc nào cũng xanh mướt, sai quả, thơm ngọt. Ông cũng tiết kiệm khoảng 10 triệu đồng/năm nhờ thu được nguồn phân từ dơi này. Từ đó ông chuyển sang trồng sầu riêng hữu cơ, ông nghiên cứu bón thêm phân bò sữa để tăng giá trị chất lượng cho quả sầu riêng.
Thời gian gần đây giống sầu riêng cơm vàng hạt lép giá trị thấp, nên ông đã chuyển dần những cây già cỗi trong vườn sang trồng được 100 cây sầu riêng Musang King. Hiện 100 gốc sầu riêng "vua" này đã 4 năm tuổi, dự kiến tháng 10 này ông sẽ bắt đầu cho trái chiến. Trong thời gian tới ông tiếp tục chuyển dần những cây kém hiệu quả sang trồng sầu riêng giá trị cao Musang King.
Hiện thương hiệu sầu riêng của ông Sáu Bờ ngày càng vang xa. Gần đến thời điểm thu hoạch là rất nhiều thương lái ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre đổ về đặt cọc thu mua. Đặc biệt, giá bán sầu riêng của ông Sáu lúc nào cũng cao hơn bên ngoài khoảng 5.000 đồng/kg.
Với sự cần cù, chịu khó của bản thân hàng chục năm qua ông Lê Văn Sáu luôn là nông dân giỏi các cấp của tỉnh Hậu Giang.
Đặc biệt, trong quá trình lao động ông 2 lần vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ.
Năm 2021, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng Ba.
Năm 2022, ông vinh dự đại diện cho hội viên nông dân tỉnh Hậu Giang nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc.