Trong bài tham luận của mình tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII 2022, bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng ban Kinh tế - TW Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh:
Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao, góp phần xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Hằng năm có 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; với nhiều mô hình sản xuất với quy mô lớn cho thu nhập hàng tỷ đồng, tạo việc làm tại chỗ cho hơn 5 triệu lao động, trong đó có trên 1,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên; hơn 3 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp hơn 200 nghìn hộ nông dân thoát nghèo...
Chất lượng phong trào cũng ngày càng được nâng lên với những mô hình trang trại công nghệ cao, các sản phẩm nông sản OCOP… và số lượng nông dân tỷ phú cũng tăng lên; nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần.
Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, sáng tạo trong cải tiến, chế tạo máy nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản.
Những nông dân này đã trở thành lớp nông dân mới, nông dân kinh tế số, nông dân công nghệ… làm đầu tàu dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu nông sản, gia tăng giá trị, là trụ đỡ của nền kinh tế; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; đẩy mạnh thực hiện xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Tiêu biểu như:
Hộ gia đình ông Lê Mạnh Cường ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ với mô hình trang trại tổng hợp trên diện tích gần 19 ha, chăn nuôi lợn, gà, ba ba kết hợp trồng bưởi, chà là, sản xuất rau an toàn. Lợi nhuận hàng năm đạt trên 6 tỷ đồng, tạo việc làm cho 60 lao đông, giúp 25 hộ nghèo thoát nghèo.
Hay như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hồng ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) với mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả; đầu tư xây dựng khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn, đã mang lại thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình trên 6,5 tỷ đồng (riêng năm 2021 là 7,8 tỷ đồng), tạo việc làm ổn định cho 25 lao động, giúp đỡ 25 hộ nghèo, khó khăn về kỹ thuật, giống chăn nuôi.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 bùng phát trong cộng đồng, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái", dưới sự vận động các cấp Hội, hưởng ứng Chương trình "Triệu phần quà, nghìn tấn nông sản nghĩa tình" cùng cả nước vượt qua dịch bệnh Covid – 19 các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cùng với cán bộ, hội viên, nông dân, các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid -19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội gần 13.000 tấn nông sản và tiền mặt, hàng hóa thiết yếu trị giá gần 210 tỷ đồng. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của nông dân đã lan tỏa mạnh mẽ, đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất, thu hoạch nông sản.
Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của nông dân, với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, có hoài bão, khát vọng làm giàu chính đáng.
Đồng thời, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các nội dung của phong trào; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm do đó đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng còn một số khó khăn, vướng mắc như:
Vẫn còn một bộ phận nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của địa phương mình để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi quy mô còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát; trình độ khoa học - kỹ thuật và quản lý còn yếu; chưa coi trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào trong sản xuất kinh doanh cũng như các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.
Một số nơi Hội Nông dân chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ Hội còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc còn hành chính, thụ động nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế.
Việc tiếp cận các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là chính sách về tín dụng, về khoa học, công nghệ… Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức chưa tạo điều kiện nhất là cơ chế chính sách, nguồn lực để tổ chức thực hiện Phong trào.
Do đó, thời gian tới chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập: Tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến tư duy trong sản xuất, kinh doanh của nông dân từ coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ hai là, đào tạo người nông dân thành người chuyên nghiệp: Trang bị kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, sử dụng những thiết bị thông minh; chuyển đổi số trong nông nghiệp… để nông dân nắm bắt được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế.
Đồng thời, trang bị cho họ kiến thức để lập kế hoạch kinh doanh hằng vụ, hằng năm và dài hạn, hạch toán được chi phí sản xuất, giá thành và lợi nhuận của từng mặt hàng nông phẩm, luôn kiểm soát được dòng tiền vào - ra của trang trại, bảo đảm cân đối vốn trong quá trình kinh doanh.
Thứ ba là, tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn.
Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.
Thứ tư là, đề xuất xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Xuất phát từ hoạt động thực tiễn phong trào, nắm bắt nguyện vọng của nông dân nói chung về phát triển nông nghiệp, nông thôn, những kiến nghị của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; các cấp Hội cần nghiên cứu, tổng hợp đề xuất, kiến nghị với nhà nước, các ngành, chính quyền hoàn thiện về cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ, hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa.