Công an quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) vừa bắt Phạm Minh Tân (21 tuổi, ngụ phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, nghi phạm tông xe gãy chân cán bộ lực lượng 911, để xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, khuya 11/9, tổ công tác số 3 lực lượng 911 làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn, kiểm soát trên đường Đống Đa, phát hiện Phạm Minh Tân chạy xe máy hướng về đường Quang Trung (quận Hải Châu) có biểu hiện vi phạm, cô gái ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.
Trung úy Trần Quốc Thịnh, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Hải Châu ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra. Tuy nhiên, Tân không chấp hành, tăng ga, tông thẳng xe vào khiến trung úy Thịnh ngã xuống đường bị thương tích.
Tân bỏ chạy qua đường Quang Trung hướng về đường Nguyễn Thị Minh Khai. Trung úy Thịnh được đưa vào bệnh viện cấp cứu, chân bị gãy phải thực hiện phẫu thuật.
Công an quận Hải Châu truy xét đến trưa ngày 12/9 thì bắt được Tân, đồng thời xác định được cô gái đi cùng.
Ban đầu Tân khai nhận do bạn gái ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, Tân thích thể hiện với bạn gái nên không chấp hành dừng xe mà rú ga bỏ chạy, dẫn đến tông xe vào lực lượng 911.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo thông tin ban đầu, thấy hành vi của đối tượng Phạm Minh Tân đã có dấu hiệu của tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Sau khi điều tra, củng cố hồ sơ, có thể cơ quan chức năng sẽ khởi tố Tân về tội danh nêu trên.
Theo luật sư Hòe, chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.
Người thi hành công vụ là người được Nhà nước hoặc xã hội giao cho những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong quản lý lĩnh vực hành chính Nhà nước nhất định như cán bộ thuế, cảnh sát giao thông, bộ đội biên phòng...
Vị luật sư cho biết, trường hợp chống người thi hành công vụ với mức độ nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Chống người thi hành công vụ" tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.
Cụ thể, điều luật quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Và sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm nếu người vi phạm có sự bàn bạc trước, cấu kết có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội hoặc dùng thủ đoạn khác… để thực hiện tội phạm nhằm chống đối người thi hành công vụ (khoản 2).
Ngoài ra, theo luật sư Hòe, nếu chống người thi hành công vụ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 144/2022/NĐ-CP.
Theo Điều 21 Nghị định này, tùy từng trường hợp cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 8 triệu đồng, tổ chức vi phạm bị phạt tới 16 triệu đồng.
"Như vậy, nếu bị khởi tố và truy tố về tội chống người thi hành công vụ, người bị chứng minh có tội sẽ có thể đối mặt với hình phạt nêu trên. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt cao nhất là 8 triệu đồng" – luật sư Hòe thông tin.