Vụ ông Trịnh Văn Quyết: Quy định về khung hình phạt mà Phó TGĐ Công ty FLC Faros bị khởi tố
Quy định về khung hình phạt mà Phó TGĐ Công ty FLC Faros bị khởi tố
Quang Trung
Thứ ba, ngày 13/09/2022 18:08 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Thiện Phú - Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty FLC Faros bị khởi tố vì giúp sức cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lừa đảo thông qua việc tăng khống vốn điều lệ.
Bắt ông Nguyễn Thiện Phú - Phó TGĐ Công ty FLC Faros
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thiện Phú - Phó TGĐ Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty FLC Faros), về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bị can Phú bị bắt do có sai phạm do liên quan đến vụ án Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, cùng đồng phạm "Thao túng thị trường chứng khoản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty FLC Faros và các công ty liên quan.
Trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Thiện Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty FLC Faros; Kế toán trưởng Công ty FLC Faros giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2016 có hành vi giúp sức cho Trịnh Văn Quyết "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty FLC Faros, niêm yết trên sàn chứng khoán bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Quy định về khung hình phạt mà ông Nguyễn Thiện Phú bị khởi tố
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 mà ông Nguyễn Thiện Phú - Phó TGĐ Công ty FLC Faros quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo luật sư Lan, chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Đặc điểm của việc chiếm đoạt này là nó gắn liền và có mối quan hệ nhân quả với hành vi dùng thủ đoạn gian dối.
Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho kẻ phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Dấu hiệu bắt buộc của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Nếu có hành vi gian dối mà không có hành vi chiếm đoạt, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người có hành vi gian dối trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép hoặc tội sử dụng trái phép tài sản, hoặc đó chỉ là quan hệ dân sự.
Theo vị luật sư, về giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên. Nếu dưới hai triệu đồng phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kế án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, người thực hiện hành vi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Về hình phạt, tội danh này có 4 khung hình phạt chính, khung thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ông Nguyễn Thiện Phú bị khởi tố ở khung cao nhất (khoản 4) của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.