Tối 13/9, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin kết quả điều tra bước đầu liên quan vụ việc khoảng 3.000m cáp điện trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái bị mất cắp gây bức xúc dư luận.
Theo đó, cơ quan chức năng đã làm rõ từ ngày 1/9, Vũ Văn Quân (34 tuổi) và Tằng Quay Ón (33 tuổi, cùng trú tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) lẻn vào công trường thi công cầu Cái Bầu thuộc xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn do Công ty Huy Hoàng thi công để trộm cắp dây điện.
Để tránh bị phát hiện, nhóm này bàn bạc tổ chức thực hiện hành vi phạm tội vào ban đêm, các cuộn dây điện được kéo ra bãi sú cạnh công trường, rồi dùng các mảng xốp vận chuyển đến vị trí đầu cầu đã thi công xong để đưa đi tiêu thụ.
Trước đó, Quân và Ón đã đến điểm thu mua phế liệu của Nguyễn Văn Thạch (31 tuổi, trú tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) để chào bán số dây điện trên của Công ty Huy Hoàng và được Thạch đồng ý thu mua cũng như cho mượn xe để vận chuyển.
Sau khi thống nhất giá bán, Thạch trả cho Quân và Ón khoảng 25 triệu đồng cho 350kg dây điện lõi đồng. Đến ngày 2/9, Thạch bán số dây điện trên cho Mai Thị Huệ (38 tuổi, trú tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) với giá trên 33 triệu đồng.
Căn cứ tài liệu điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh khám xét khẩn cấp điểm thu mua của Nguyễn Văn Thạch và tập trung đấu tranh mở rộng vụ án.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của các đối tượng trong vụ việc có dấu hiệu của tội "Trộm cắp tài sản" và tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân. Bởi vậy hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật, người lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, đó là hành vi trộm cắp tài sản.
Nếu tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự.
Như vậy, tùy thuộc vào tính chất của vụ án, tùy thuộc vào giá trị của tài sản đã chiếm đoạt, các đối tượng trong vụ án này có thể phải đối mặt với những khung hình phạt khác nhau.
Ông Cường nêu quan điển, theo thông tin ban đầu, có thể các đối tượng sẽ bị xác định là phạm tội từ hai lần trở lên, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vì lòng tham mà chiếm đoạt tài sản của người khác nhiều lần.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những người mua dây điện của nhóm đối tượng này có biết tài sản do phạm tội mà có hay không. Nếu có sẽ bị xử lý về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Còn nếu giao dịch là công khai, các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản đã gian dối thông tin về nguồn gốc tài sản khiến cho người mua hiểu lầm nên mới mua, lúc này người mua không vi phạm pháp luật nhưng tài sản mua được sẽ bị tịch thu để trả lại cho người bị hại.
Theo ông Cường, trong vụ việc trên, việc định giá tài sản là thủ tục quan trọng để xác định thiệt hại, làm căn cứ xác định trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan.
Trong khi đó, các đoạn dây cáp điện được vận chuyển cất giấu như thế nào, cơ quan điều tra sẽ thu giữ để xác định là vật chứng của vụ án, làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi thu giữ được tài sản, cơ quan điều tra sẽ tiến hành định giá tài sản để xác định giá trị thiệt hại, làm cơ sở để quy trách nhiệm pháp lý cho các đối tượng có liên quan. Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục, có thể trả lại tài sản cho người bị hại.