Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận với phóng viên Dân Việt, Đồng Tháp muốn chuyển trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim cho ấp nhân tạo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc chuyển trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Vườn quốc gia Tràm Chim cho ấp nhân tạo là một trong những công việc cần làm trong đề án nuôi, phát triển đàn sếu đầu đỏ mà tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng.
"Tỉnh Đồng Tháp đang làm đề án nuôi, phát triển đàn sếu đầu đỏ. Hiện phương án chi tiết đang được xây dựng" - ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp thông tin.
Theo phóng viên tìm hiểu, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim xây dựng dự thảo đề án nói trên, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2032. Đơn vị phối hợp là Hội Sếu quốc tế tại Mỹ.
Theo kế hoạch, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp sẽ sang Thái Lan thống nhất nội dung hợp tác chuyển trứng sếu đầu đỏ về Vườn quốc gia Tràm Chim. Nếu thuận lợi, trứng sếu đầu đỏ sẽ được chuyển giao về nước trong năm sau.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Tiến sĩ Trần Triết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, thành viên Hội Sếu quốc tế tại Mỹ cho biết, thay vì nuôi cho sếu sinh sản tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, tốn kém tiền của và thời gian, có thể chuyển trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan về đây cho ấp nhân tạo.
"Sếu đầu đỏ sau khi nở sẽ trải qua quá trình huấn luyện đặc biệt để có thể tự tồn tại ngoài tự nhiên. Hiện nay, nhân viên tại Vườn quốc gia Tràm Chim không có chuyên môn để làm được việc này. Do đó, cần phải nhờ chuyên gia của Thái Lan và Mỹ qua Đồng Tháp tư vấn, hỗ trợ giúp" - Tiến sĩ Trần Triết thông tin.
Tiến sĩ Trần Triết nói tiếp: "Trước mắt, sẽ có chương trình đưa nhân viên ở Vườn quốc gia Tràm Chim đi Thái Lan đào tạo kỹ thuật nuôi, huấn luyện sếu đầu đỏ. Tuy nhiên, đây là kế hoạch đang xây dựng, đang trong giai đoạn đàm phán, tìm nguồn tài trợ...".
Theo Tiến sĩ Trần Triết, sếu đầu đỏ từ tháng thứ 5 đến 1 tuổi sau khi nở từ trứng có thể ra ngoài tự nhiên tự sinh sống và từ 4-5 năm tuổi có thể sinh sản. Nếu mỗi năm, Đồng Tháp có thể thả thành công 10 con, trong 10 năm, Vườn quốc gia Tràm Chim có thể có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu đầu đỏ có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng di truyền quần thể khá tốt.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Triết, trước đây, Thái Lan cũng có sếu đầu đỏ nhưng đàn sếu đã biến mất cách nay hơn 50 năm. Sau đó, trong nhiều năm, Thái Lan đã kiên trì thực hiện chương trình nuôi sếu sinh sản với mục tiêu gầy lại đàn sếu trong tự nhiên.
Trong 10 năm gần đây, chương trình này đã thả trở lại tự nhiên gần 200 con sếu. Đàn sếu này nay đã có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên. Có thể nói người Thái đã thành công trong việc phục hồi sếu đầu đỏ trên đất nước của họ.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 2 con sếu đầu đỏ từ Lào.
Hồi đầu tháng 9/2022, UBND Đồng Tháp tiếp nhận thông tin từ Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lào về việc quyên góp 2 con sếu đầu đỏ cho Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).
Do sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim, việc đưa loài này trở lại Vườn Quốc gia Tràm Chim là phù hợp, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững sếu đầu đỏ nên tỉnh Đồng Tháp đồng ý, thống nhất tiếp nhận việc quyên góp 2 con sếu đầu đỏ Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lào.
Theo quy định, UBND tỉnh Đồng Tháp phải xin phép Thủ tướng cho nhập khẩu 2 con sếu đầu đỏ từ Lào trong trường hợp đặc biệt.
Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ giao các bộ phận có liên quan làm việc với cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ NNPTNT cùng phía đối tác Lào để tiến hành các thủ tục nhập khẩu và tiếp nhận sếu đầu đỏ theo quyđịnh pháp luật trong nước và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.