Ethereum – blockchain lớn thứ hai thế giới chỉ sau Bitcoin đã trải qua hơn 10 đợt fork và cập nhật kể từ khi Whitepaper (sách trắng) được ra mắt hồi năm 2013, nhưng sự kiện được mong chờ nhất là The Merge mới chính thức được chốt lịch trong tháng 9 này.
The Merge là tên gọi sự kiện nâng cấp Ethereum để chuyển từ cơ chế đồng thuận PoW sang PoS. Luôn nhận về những ý kiến trái chiều, sự nghi ngờ về tính ổn định lâu dài, tuy nhiên Ethereum vẫn đang giữ vị thế là một trong những nền tảng blockchain lớn nhất ngành với hàng nghìn Dapps (ứng dụng phi tập trung) được xây dựng trên hệ sinh thái. Hiện có hơn 300 blockchain khác nhau fork của Ethereum.
Ông Thanh Đào – nhà sáng lập Launchzone
"Trong khi nhiều blockchain đã chạy trên cơ chế PoS thì với Ethereum, đội ngũ của họ đã mất nhiều năm cho quá trình chuyển đổi này nhằm đảm bảo khi The Merge diễn ra, yếu tố phi tập trung của mạng không bị giảm đi", ông Thanh chia sẻ thêm.
Trong dài hạn, sự kiện The Merge được ví như việc nâng cấp nền móng nhằm đảm bảo sự chắc chắn trong quá trình phát triển mạnh hơn của blockchain Ethereum, khi đó các blockchain layer 1 hiện tại như Solana hay Polkadot khó có thể vượt qua.
Trong ngắn hạn, ông Thanh đánh giá nếu The Merge thành công sẽ tác động tích cực lên thị trường, bởi khi giải quyết được vấn đề tốc độ mạng cũng như phí giao dịch, nhiều ứng dụng sẽ được xây dựng trên Ethereum.
"Các validator sẽ phải tích trữ ETH để vận hành mạng cũng như kiếm phần thưởng, điều này sẽ đẩy giá ETH tăng lên, bên cạnh đó có rất nhiều cặp thanh khoản gắn với ETH, điều này sẽ tạo hiệu ứng tốt cho sự tăng giá", ông Thanh nhận định.
Đặc biệt, khi xây dựng được nền móng, Ethereum sẽ thu hút được sự quan tâm từ nhiều lĩnh vực khác ngoài blockchain. Các tập đoàn, công ty lớn sẽ xem xét áp dụng blockchain vào công việc kinh doanh và vận hành, từ đó các ngách như NFT, DeFi hay GameFi đều được hưởng lợi.
Dù vậy, The Merge vẫn tồn tại những rủi ro nhất định, như ông Thanh nhấn mạnh:"Về góc độ phát triển dự án lại có một số vấn đề. Khi không còn sử dụng cơ chế PoW để tính toán sẽ dễ tạo block hash, như vậy ở cơ chế PoS, các smart contract sẽ dễ bị tấn công. Bên cạnh đó quyền lực sẽ về tay các validator nhiều hơn, bảo mật ở các lớp có thể sẽ bị ảnh hưởng".
Hiện tại các tổ chức lớn trong ngành như Binance, Tether hay Circle đang ủng hộ cơ chế đồng thuận PoS, nhưng nhiều cộng đồng và một số sàn giao dịch khác vẫn ủng hộ cơ chế PoW. Nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến việc đồng ETH có giá trị nhưng các đồng khác như USDT trên chain PoW lại vô giá trị.
Trưởng Ban Đầu tư và Ứng dụng Blockchain cũng cảnh báo nếu kịch bản xấu nhất xảy ra có thể kéo giá trị Ethereum xuống nhanh chóng, người dùng không nên FOMO giá ETH trên PoW vào thời điểm này.
Bài viết có sự hợp tác với Diễn đàn Phổ cập Blockchain.