Ngày 15/9, một lãnh đạo Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp mạo danh, tự ý lấy mã số cơ sở đóng gói của đơn vị để làm hồ sơ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo lãnh đạo này, hiện nay Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn chưa ủy quyền cho bất kỳ công ty nào xuất khẩu sầu riêng. Trong thời gian tới, đơn vị dự kiến sẽ trực tiếp xuất khẩu, không ủy quyền cho bên thứ 2.
Tuy nhiên, hiện đã có doanh nghiệp dùng mã vùng trồng của đơn vị và cả mã cơ sở đóng gói để làm thủ tục thông quan xuất khẩu sầu riêng.
"Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đề nghị hỗ trợ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng mã cơ sở đóng gói của đơn vị"- đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết.
Cũng theo vị đại diện này, để có được mã vùng trồng, đơn vị đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Vì ngay từ đầu đơn vị xác định chỉ xuất khẩu chính ngạch nên đã chuẩn bị rất kỹ càng. Tuy nhiên đến nay, đơn vị chỉ mới có được hơn 1.000 ha được cấp mã vùng trồng.
Ông Vũ Ngọc Huy - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết: "Tôi rất tâm tư trước việc một số doanh nghiệp mạo danh mã vùng trồng sầu riêng của đơn vị. Việc này trước hết ảnh hưởng rất lớn đến nông dân, các hợp tác xã - những người trực tiếp trồng sầu riêng. Tới đây chúng tôi mong rằng, Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật có những chế tài đủ mạnh để ngặn chặn tình trạng này".
Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) một nông dân có vườn sầu riêng được cấp mã vùng trồng, cho biết: "Chúng tôi rất buồn khi có doanh nghiệp mạo danh lấy mã vùng trồng của chúng tôi để xuất khẩu. Chúng tôi rất mong chính quyền vào cuộc để can thiệp, xử lý".
Sau Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, sầu riêng Việt Nam đã chính thức được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Có 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đã được Trung Quốc phê duyệt.
Trong đó, riêng Đắk Lắk có 23 mã vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói được Trung Quốc phê duyệt. Các mã vùng trồng tập trung chủ yếu ở huyện Krông Pắc, với 17 mã; còn lại 4 mã của huyện Krông Búk, 1 mã của TX. Buôn Hồ và 1 mã của TP. Buôn Ma Thuột.
Thông tin từ cơ quan chức năng, cả nước có 3.000 ha sầu riêng với sản lượng khoảng 68.000 tấn/năm được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, khối lượng sầu riêng doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu lên đến 1,3 triệu tấn.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, việc này chứng tỏ rất nhiều doanh nghiệp chưa có vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, nhưng vẫn đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước đó, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 đã phát hiện 2 container sầu riêng đưa đến cửa khẩu, nhưng đơn vị xuất khẩu cung cấp mã số vùng trồng của lô hàng này không hợp lệ.