Dân Việt

Sầu riêng Đắk Lắk: Sẵn sàng chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Duy Hậu 15/09/2022 16:29 GMT+7
Ngày 17/9, Đắk Lắk chính thức đưa chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện công tác chuẩn bị cho chuyến hàng này đang được các doanh nghiệp thực hiện hết sức khẩn trương.

Doanh nghiệp hối hả chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Ngày 15/9, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến sầu riêng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Sầu riêng Đắk Lắk: Sẵn sàng chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông dân Nguyễn Văn Sơn thu hoạch sầu riêng chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Duy Hậu.

Theo bà Trinh, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã nhận được đăng ký của 8 doanh nghiệp xuất khẩu với khối lượng đăng ký trung bình 60 tấn sầu riêng/doanh nghiệp. "Chúng tôi vẫn chưa nắm chắc được số lượng cụ thể vì ngày mai các doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục đăng ký"- bà Trinh nói.

Krông Pắc là vùng sản xuất sầu riêng trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Địa phương này có hơn 3.300ha sầu riêng với sản lượng bình quân 45.000-50.000 tấn/năm. 

Chiều 15/9, tại địa phương này, chúng tôi ghi nhận không khí hối hả nhưng rất phấn khởi của cả nông dân và doanh nghiệp để chuẩn bị cho chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sầu riêng Đắk Lắk: Sẵn sàng chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Sầu riêng được tập kết về cơ sở đóng gói của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn. Ảnh: Duy Hậu.

Tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (thôn Tân Mỹ, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk)- một đơn vị có đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc- không khí làm việc hết sức hối hả.

"Thời gian rất ngắn, nên mọi công việc chúng tôi phải chuẩn bị rất gấp rút. Tuy nhiên đến nay, các thủ tục giấy tờ... chúng tôi cũng đã chuẩn bị đến những khâu cuối cùng rồi"- ông Vũ Ngọc Huy- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết.

Theo quan sát của chúng tôi, tại cơ sở đóng gói của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, hàng chục tấn sầu riêng đã được đưa về. Hàng chục công nhân đang hối hả, phân loại, dán nhãn mác, đóng gói...

Sầu riêng Đắk Lắk: Sẵn sàng chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 3.

Công nhân đang hối hả dán tem nhãn cho sầu riêng trước khi đưa vào đóng gói.

"Đêm qua chúng tôi phải lại việc tới 24 giờ. Công việc hết sức gấp rút nên chúng tôi phải làm thêm giờ cho kịp tiến độ"- một công nhân tại đây cho chúng tôi biết.

Nông dân vui mừng

Dẫn chúng tôi thăm vườn, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) tâm sự: Để trồng được cây sầu riêng, nông dân phải trải qua muôn vàn khó khăn. Nếu không có kỹ thuật, canh tác thiếu bền vững, cây sầu riêng sẽ không cho năng suất, nhanh chóng già cỗi.

Sầu riêng Đắk Lắk: Sẵn sàng chuyến hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - Ảnh 4.

Sầu riêng được đóng gói sẵn đang được đưa lên container. Ảnh: Duy Hậu.

"Với một vườn sầu riêng kinh doanh, trung bình mỗi năm nông dân phải đầu tư đầu tư rất lớn. Cây sầu riêng cực kỳ khó tính, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết; làm sao cho cây sầu riêng ra bông, đậu trái, trái tròn đẹp... đều là những vấn đề không nhỏ. Để có một trái sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu đòi hỏi nhà vườn phải nắm vững kỹ thuật"- ông Sơn nói.

Ông Sơn tâm sự, những năm đầu tiên, không chỉ bản thân mà nông dân Krông Pắc gặp không ít khó khăn trong việc trồng sầu riêng. Tuy nhiên, do giá sầu riêng tăng cao nên nông dân cũng rất phấn khởi.

"Năm nay, thời tiết bất lợi, giá cả phân bón tăng cao, mỗi ha sầu riêng đang kinh doanh ước tính phải đầu tư lên đến 400-500 triệu đồng. Ngược lại, năng suất sầu riêng năm nay lại sụt giảm khoảng 30%.

Thế nhưng rất đáng mừng là năm nay Việt Nam và Trung Quốc đã ký được Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật, cho phép Việt Nam xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc"- ông Sơn nói.

Điều đặc biệt hơn với ông Sơn đó là vườn sầu riêng của ông sau khi liên kết với doanh nghiệp thì đã được cấp mã vùng trồng. Vừa qua, vườn sầu riêng của ông nằm trong số 51 mã vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt cho phép nhập khẩu.

"Gia đình tôi hiện có 8ha sầu riêng, sản lượng sầu riêng sẽ ngày càng tăng cao. Do đó, bây giờ sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, có đầu ra, giá cả ổn định tôi rất vui mừng"- ông Sơn nói thêm.

Cũng theo ông Sơn, từ khi được xuất khẩu chính ngạch, giá sầu riêng đã tăng lên từng ngày. Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Song muốn nâng cao giá trị của vườn cây, chúng tôi buộc phải tuân thủ các quy trình canh tác. Và có như thế, nông dân mới cho ra được một sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.