Ngày 15/9, Bộ NNPTNT phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp về dinh dưỡng, thức ăn trong nuôi biển công nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng. Điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi cho phát triển nuôi biển, đối tượng nuôi phong phú như: Cá chim vây vàng, cá chẽm, cá song, cá hồng, cá giò, tôm hùm, rong biển,...
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu hình thành tại Việt Nam; hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,...
Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt; hoạt động nuôi tự phát, công nghệ sản xuất giống, quản lý sức khỏe và môi trường vùng nuôi, phòng trị bệnh trên đối tượng nuôi còn nhiều hạn chế; nghiên cứu dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển còn yếu kém.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chỉ ra 6 nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, nghiên cứu, phát triển các công thức thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn phù hợp với từng loài và giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn con non, con giống của các đối tượng nuôi biển.
Xây dựng các khu sản xuất thức ăn tập trung, gắn với khu dịch vụ hậu cần nghề cá và vùng nuôi biển tập trung; tiến tới chủ động sản xuất trong nước, đủ số lượng, đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển, trong đó chú trọng việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.
Vừa tiến hành nghiên cứu, vừa nhập công nghệ, thiết bị và công thức thức ăn cho các đối tượng nuôi để chuyển giao, nghiên cứu và từng bước làm chủ công nghệ sản xuất thức ăn phục vụ sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.
Tổ chức đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu về dinh dưỡng, thức ăn cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển để có đủ nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất.
Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước phát triển công nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi biển có công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến, liên kết chặt chẽ với các trại nuôi biển; đảm bảo sản phẩm thức ăn có chất lượng cao và giá thành hợp lý.
Ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, vì có bờ biển dài 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió với các cảng nước sâu nên rất thuận lợi cho phát triển thủy sản trong đó có nuôi trồng thủy sản.
Ông Thiệu nhấn mạnh, phát triển nuôi biển trên địa bàn Khánh Hòa trong thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở vùng nông thôn ven biển, giải quyết việc làm cải thiện đời sống nhân dân.
Để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng nuôi biển, thời gian tới Khánh Hoà sẽ phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ở vùng biển hở. Trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực đầu tư nuôi biển công nghiệp bằng lồng bè hiện đại, để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm.
Các vùng nuôi biển hở sẽ ưu tiên đối tượng nuôi cá biển có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ hình thành các Tổ liên kết nuôi trồng thủy sản tiến tới thành lập các Hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản, liên kết với các doanh nghiệp để đầu ra sản phẩm được ổn định.
Để đạt các mục tiêu trên, Sở NNPTNT Khánh Hòa sẽ triển khai quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản khi Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Cùng với đó đầu tư hạ tầng vùng nuôi, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để vừa tạo mỹ quan vừa đảm bảo sức tải môi trường vùng nuôi...
Ông Lê Văn Khôi - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay thức ăn công nghiệp cho các đối tượng nuôi phổ biến như: Cá giò, cá chẽm, cá chim vây vàng,... đã được tập trung nghiên cứu trong những năm gần đây.
Các nghiên cứu tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng, phát triển thức ăn công nghiệp cho từng giai đoạn phát triển và khả năng sử dụng thức ăn của các đối tượng nuôi.