Nông dân giỏi mong muốn có nhiều chính sách đột phá cho nông nghiệp
Nông dân giỏi nuôi lươn doanh thu 6 tỷ, nuôi biển doanh thu 8 tỷ/năm mong có nhiều chính sách đột phá
Minh Ngọc
Chủ nhật, ngày 11/09/2022 16:53 PM (GMT+7)
Chiều nay 11/9, 300 nông dân từ mọi miền Tổ quốc đã quy tụ về Thủ đô Hà Nội để tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII và Hội nghị Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI.
Bên cạnh niềm hân hoan, phấn khởi khi được tôn vinh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, họ cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều cơ chế, chính sách đột phá từ hai sự kiện này, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước nhà.
Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT quan tâm đến ngành nuôi lươn
Có mặt tại khách sạn Kim Liên gần như sớm nhất, đoàn nông dân tỉnh Vĩnh Long lần này ra Hà Nội có 6 người. Tâm trạng ai cũng vui vẻ, phấn chấn, có người cho biết lần đầu tiên được ra Thủ đô.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Thanh Tân, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ cho biết, trải qua 2 năm khó khăn bủa vây bởi dịch bệnh Covid, giờ đây những nông dân xuất sắc, kinh doanh giỏi lại có dịp được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất.
"Chúng tôi rất vui mừng khi được có mặt tại Thủ đô Hà Nội. Lần này, tôi rất vinh dự đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp toàn quốc. Đây không chỉ là động lực to lớn để tôi tiếp tục phát triển sản xuất mà còn là dịp để chúng tôi học hỏi những cách làm hay, kinh nghiệm quý từ nhiều nông dân giỏi đến từ mọi miền tổ quốc".
Hiện anh Tân đang có cơ sở nuôi lươn không bùn rộng 2ha và góp vốn tại một công ty cổ phần nuôi lươn không bùn rộng 5ha, chuyên cung cấp lươn thịt và lươn giống. Sản lượng năm 2021 đối với lươn thịt là 20 tấn và lươn giống là 10 triệu con. Doanh thu từ nuôi lươn đạt 6 tỷ đồng.
Anh Tân cho biết, sau 2 năm dịch bệnh, công việc sản xuất cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, thị trường bị thu hẹp. Nhưng bước sang năm 2022, khi dịch bệnh đẩy lùi, cơ sở sản xuất lươn không bùn của anh đã dần lấy lại "phong độ", nhiều đơn hàng được ký kết.
"Được tham gia Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII với chủ đề: Người nông dân chuyên nghiệp, tôi rất hào hứng và chờ đợi nhiều vấn đề sẽ được gợi mở về vai trò và những điều cần có để trở thành một người nông dân chuyên nghiệp. Theo tôi, để sản xuất hiệu quả, chất lượng, an toàn, ngoài việc nắm vững kiến thức sản xuất thì người nông dân hiện nay phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất. Quan trọng nhất hiện nay là làm marketing cho sản phẩm của mình".
Thông qua Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII và Hội Nghị Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, anh Tân mong muốn và kiến nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ NNPTNT quan tâm hơn nữa đến ngành nuôi lươn và "xem như một ngành mới cần đầu tư, phát triển".
Theo anh Tân, ngành lươn trong tương lai gần sẽ phát triển không kém gì ngành tôm và cá tra. Hiện tại, cơ sở sở của anh đã có một số đối tác nước ngoài mong muốn hợp tác để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, anh Tân cũng đề xuất, các Bộ, ban ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay một cách nhanh nhất. Ngoài ra, mong muốn sẽ được xem xét thành lập Hiệp hội lươn Việt Nam.
"Nếu Hiệp hội được thành lập sẽ mang lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp và bà con nông dân. Thông qua Hiệp hội sẽ có thông tin chính thống và từ đó các đối tác trong và ngoài nước sẽ liên hệ hợp tác, phát triển" - anh Tân nhấn mạnh.
Mong muốn có nhiều chính sách đột phá
Đến từ tỉnh Khánh Hòa, bà Phạm Thị Thuận không giấu được niềm vui khi lần đầu tiên được lựa chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ra Hà Nội tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII và Hội Nghị Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI.
"Cả đêm qua tôi không ngủ được vì rất hồi hộp và vinh dự khi lần đầu tiên ra Hà Nội tham dự những sự kiện lớn như thế này", bà Thuận chia sẻ niềm vui với PV.
Bà Thuận cho biết, gia đình bà đang có cơ sở sản xuất chả cá và làm nghề nuôi biển với 140 lao động. Hiện nay, bà đang có 500 lồng thả nuôi cá chim, cá mú, cá bớp… Doanh thu mỗi năm đạt 8 tỷ đồng.
Chia sẻ với PV, bà Thuận cho biết, được gặp gỡ với rất nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên cả nước sẽ là cơ hội để bản thân học hỏi, trau dồi thêm kiến thức. Thông qua hai sự kiện lần này bà cũng kiến nghị một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ khoa học kỹ thuật đối với nghề nuôi biến.
Còn anh Phan Văn Dược, ở xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng thì đã được ra Hà Nội từ năm 2019, nhân dịp được trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc. Nhưng lần này được mời ra Hà Nội dự 2 hội nghị lớn, cảm xúc của anh vẫn háo hức như lần đầu tiên.
Hiện nay, anh Dược đang có mô hình trồng sầu riêng, măng cụt, chôm chôm diện tích 7ha, sản lượng 50 – 60 tấn/năm. Anh cho rằng, người nông dân hiện nay cần được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ.
Để điệp khúc buồn "được mùa, mất giá" không còn là mối lo với nông dân, theo anh Dược, người nông dân phải biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo khả năng hiện có của mình, với cách thức sản xuất tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.
"Được tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII và Hội Nghị Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, tôi mong mỏi sẽ có nhiều cơ chế, chính sách đột phá, từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước nhà", anh Dược chia sẻ.
Nông dânNguyễn Thị Huyền, thị xã Cửa Lò, Nghệ An chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Diễn đàn Nông dân Quốc gia và Hội Nghị Biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc, là cơ hội quý để tôi có thể học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ những nông dân giỏi đến từ mọi miền đất nước".
Với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp", chị Huyền cho rằng, để trở thành một người nông dân chuyên nghiệp thì nông dân cần sản xuất nông nghiệp thông minh, hiểu rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, nắm được quy luật cung-cầu, biết kết hợp bản chất cần cù với sáng tạo và có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường... Khi trở thành nông dân chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh, uy tín và vị thế của nông dân khi giao dịch với doanh nghiệp sẽ được nâng lên".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.