Vào mùa nước nổi, miền Tây khoác lên mình vẻ đẹp hữu tình, quyến rũ, làm mê đắm mọi tín đồ ưa xê dịch.
Du lịch miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ thêm yêu cảnh đẹp non sông, thêm yêu cuộc sống con người, lúc này những cánh đồng xanh khi xưa đã trở nên mênh mông sóng nước với những khung cảnh vô cùng đẹp đẽ.
Đây cũng là mùa bội thu tôm cá với người dân miền Tây quanh năm nhọc nhằn. Không chỉ đem lại một sức sống mới cho bà con nông dân nơi đây, mùa nước nổi miền Tây còn mang lại sức sống mới cho những cây sen, bông súng, cỏ năng, thêm xanh tốt.
Mùa nước nổi về, Miền Tây như được thay một màu áo mới.. Hay nói cách khác, đây là thời điểm tất cả mọi thứ ở vùng đất này sinh sôi nảy nở.
Hoa súng, hẹ nước mùa nước nổi
Tùy theo khí hậu mỗi năm mà con nước đổ về sớm hay muộn. Mùa nước nổi miền Tây cung cấp nhiều món đặc sản dân dã mà tuyệt vời: Những bông điên điển được hái vội cũng chế biến được với đám cá linh thành món cá linh nấu canh chua với bông điên điển, rồi thì khô cá lóc hay rau thập cẩm luộc, càng cua đồng…
Canh chua bần cá linh
Vĩnh Long cũng được thiên nhiên ban tặng vẽ đẹp miền sông nước, không khác nhiều so với các tỉnh ở các tỉnh thượng nguồn sông Mekong, vẻ đẹp ấy được hiện hữu mỗi năm mỗi khác tại Vĩnh Long, được thấy rõ nhất vào con nước rằm tháng 9 âm lịch những cánh đồng xả lũ sau khi đã thu hoạch lúa Thu Đông, đâu đâu cũng thấy những “ma trận” dớn bủa vây trên đồng nước.
Đây là ngư cụ giăng trên mặt ruộng bằng lưới cước, chúng bắt không từ bỏ bất kỳ loại thủy sản nào. Chưa kể lưới giăng, người kéo lưới, kéo côn. Trên đồng là vậy, còn ở những chân vườn, mặt đập thì có: nò, lờ, lọp, dớn. Ở kinh mương thì chài, lưới, vó, vợt.
Dụng cụ bắt cá (Vó)
Kéo côn
Mặc dù là tỉnh ở hạ nguồn sông Mekong nhưng nguồn lợi thủy sản nước ngọt ở tỉnh Vĩnh Long rất phong phú. Các loài bản địa và hoang dã trong đồng có: cua đồng trê vàng, cá lóc, cá rô, cá chạch, cá sặt, cá rằm, rắn, rùa, ếch, lươn, tép,…
Các loài di trú vào đồng như cá linh, cá thiều, cá hô, mè vinh, bống trứng, tôm lóng, tôm càng xanh,… Nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú như thế, nhưng mỗi khi nước tràn đồng thì cũng là lúc chúng bị đánh bắt với cường độ cao.
Cá bống cát
Du khách ngoài việc chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên cùng tham gia các hoạt động lý thú, thì việc đánh bắt, chế biến và thưởng thức các món ăn đặc sản mùa nước nổi Vĩnh Long là trải nghiệm không thể bỏ qua.
Vào mùa nước nổi, những rặng bông điên điển mọc nhiều ven các bờ kênh, sát mép sông, vàng rực cả một góc trời. Chỉ cần cập xuồng vào gần bờ, rung vài cái là bông điên điển rụng xuống. Sau khi đem về nhặt lá, cọng, là có thể chế biến thành nhiều món ăn: nấu canh chua với cá linh, làm gỏi, đổ bánh xèo, nếu nhiều có thể muối thành dưa chua.
Bông điên điển
Cũng giống như bông điên điển, cây bông súng mọc vào mùa nước nổi và vươn theo con nước, nghĩa là nước càng cao thì cọng súng càng dài. Thường người dân chỉ lấy phần thân để chế biến các món ăn như bông súng mắm kho, gỏi bông súng…sự kết hợp bông điên điển và bông súng làm cho thực khách khó mà cưỡng lại vị ngon của món ăn mà 2 loại hoa này đem lại.
Cá linh là một sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân miền Tây mỗi mùa nước nổi về. Có nhiều cách để đánh bắt cá linh, như giăng lưới, đóng dớn…Sẽ mất đi một nửa ý nghĩa của chuyến trải nghiệm mùa nước nổi nếu như chưa thưởng thức món ăn từ cá linh như mắm cá linh, cá linh kho me, cá linh nấu canh chua bần, lẩu mắm cá linh…
Nhưng nếu có điều kiện, tham gia trải nghiệm bắt cá linh, dù bằng phương thức nào đi chăng nữa, thì chuyến đi của bạn chắc chắn sẽ thú vị và đáng nhớ hơn nhiều.
Ngoài ra, khi nước lũ về du khách không thể bỏ qua được là bắt, thưởng thức món chuột đồng. Khi lũ về thì lũ chuột sẽ chạy tán loạn tìm nơi ẩn náu. Chúng thường chọn các ụ đất cao, bụi rậm, ngọn cây…miễn là nước không lan tới.
Người nông dân đoán và chỉ việc đến nơi nhiều chuột để săn. Có nhiều cách bắt chuột đồng, như dùng chó săn, dùng xẻng đào hang, đặt ống trúm, dùng ná bắn, hun khói vào hang…Thịt chuột được chế biến thành nhiều món khác nhau nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món chuột đồng nướng, chuột đồng ram nước dừa, hay canh chua chuột đồng….
Mùa nước nổi ngoài đem thêm cá tôm, còn mang phù sa về bồi đắp, tận dụng lượng phù sa sông màu mỡ này, người nông dân trồng lúa bắt đầu mở đập dẫn nước vào ruộng để trữ phù sa cho vụ mùa tiếp theo.
Chính nhờ lượng phù sa này mà sau Mùa nước nổi, cây trồng trở nên sum xuê, năng suất hơn, bằng chứng là Vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa “trúng” nhất năm và cây trái cũng ngon ngọt, mơn mởn hơn.