Làng ở Tuyên Quang nhìn trước ngó sau chỉ thấy người già, trẻ con, kẽo kẹt nuôi dạy nhau đi qua năm tháng

Thứ bảy, ngày 10/09/2022 05:53 AM (GMT+7)
Công cuộc mưu sinh đã kéo những người trẻ ở làng về các nhà máy, khu, cụm công nghiệp. Những ngôi làng nơi xóm núi chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, kẽo kẹt nuôi dạy nhau đi qua năm tháng... Họ nương tựa vào nhau, động viên nhau chờ ngày con cái trở về sum vầy, đông đủ.
Bình luận 0

1. Cụ bà Nguyễn Thị Máy ở thôn 8, xã Tân Long (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) năm nay đã ngoài 70 tuổi. Chồng mất đã lâu, bà sống với người con trai, những mong được nương tựa tuổi già.

Mấy năm nay, vợ chồng người con trai về Bắc Ninh làm công nhân ở một công ty giày da, để 5 đứa con lít nhít ở nhà với bà. Bà Máy vừa làm bà, lại vừa phải làm bố, làm mẹ thêm một lần nữa.

Lũ trẻ nhà bà, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất 6 tuổi. Mấy tháng hè, bà gần như không dám rời mắt khỏi chúng phút nào vì nhà gần suối. Lũ trẻ kéo nhau đi tắm, bà già ngoài 70 tuổi ngồi trên bờ trông chừng. Bà bảo mình cũng mệt lắm, nhưng con cái đi khỏi nhà hết rồi, bà không làm thì chờ ai.

Bà Máy không phải là trường hợp hiếm ở thôn 8. Thôn có khoảng 200 người trong độ tuổi lao động, thì đến 80% lao động đi làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, số còn lại làm phụ xây, thợ xây. Rất nhiều gia đình như gia đình bà Máy, cả hai vợ chồng cùng đi làm, con cái đều để lại cho ông bà chăm sóc.

Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Thị Linh chia sẻ, người trẻ đi hết, chỉ còn người già ở làng “gánh” việc thôn, bản. Những người giữ chức Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân... đều đã ở tuổi ngoài 60. 

Có anh Thôn đội trưởng kiêm Bí thư Chi đoàn Nguyễn Văn Quán, 30 tuổi là trẻ nhất, thì giờ cũng đang cùng vợ đi làm công nhân dưới Hà Nội. Chỉ khi thôn xã có việc gọi về, thì anh Quán mới sắp xếp công việc để về giải quyết.

Làng ở Tuyên Quang nhìn trước ngó sau chỉ thấy người già, trẻ con, kẽo kẹt nuôi dạy nhau đi qua năm tháng - Ảnh 2.

 Người dân thôn 8, xã Tân Long (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) tranh thủ nông nhàn làm tăm.

Người dân thôn 8 sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ngoài ra có thêm nghề làm tăm, tận dụng thời gian nông nhàn hay tranh thủ nghỉ trưa, buổi tối để có thêm đồng ra đồng vào. Vừa tuốt sợi tre, chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1982, lao động trẻ hiếm hoi vẫn còn ở nhà. Chị Hương bảo, mình vướng 2 con nhỏ, phải đưa đón các con đi học, nếu không chắc cũng “xuất khẩu” ra khỏi làng theo anh chị em rồi.

Bà Linh bảo, cũng biết người trẻ phải ra ngoài kiếm sống, làm ăn, nhưng người già ở làng vất vả quá. Như bà Linh, hay Trưởng ban Công tác Mặt trận Nguyễn Thị Lanh, không biết đi xe máy, không biết đi xe đạp, cũng không rành công nghệ. Mỗi khi báo họp, hay phải vận động, quyên góp khoản gì, các bà lại “lội bộ” đến từng nhà. 

Cũng may, thôn 8 dân sống quần tụ và tập trung, việc đi lại không mất nhiều thời gian. Nhưng bà Linh bảo, càng ngày 4.0 nó càng len lỏi đến tận vùng sâu vùng xa, mình không biết tận dụng nó như này, rồi mấy nữa nói dân cũng không đủ sức thuyết phục nữa.

Rồi việc thu các khoản đóng góp, đến nhà nào cũng thấy chỉ có người già, trẻ nhỏ, giở sổ ra thu cũng không đành lòng. Bà Linh bảo, cái ước mơ “ly nông, không ly hương” giờ trở thành nhu cầu thực sự bức thiết ở thôn. Bởi giờ các ông, các bà còn sức khỏe, còn đảm nhiệm được, dăm ba năm nữa thì phải trông chờ vào lớp trẻ hơn thôi...

2. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Tuyên Quang hiện có gần 14 nghìn lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Những thôn bản “đặc biệt” như thôn 8 giờ không còn hiếm nữa. Lớp trẻ rời làng để mưu sinh, kiếm sống, những người già ở lại “vừa đảm việc nhà, vừa lo việc làng, việc nước”.

Thôn Rạp, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) giờ cũng chỉ còn người già ở làng. Theo thống kê, cả thôn có 120 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, bình quân mỗi gia đình một lao động. Nhiều nhà, cả vợ và chồng đều đi làm công nhân như nhà anh Trịnh Văn Thỏa, Tống Thu Huyền; Triệu Việt Tình, Lường Thị Chiến... Người đi làm việc ở ngoài tỉnh nhiều, nhưng cũng có những người chọn làm việc tại các nhà máy trong tỉnh Tuyên Quang.

Cũng như ở thôn 8, xã Tân Long, những người đảm nhiệm các chức vụ của thôn giờ cũng tập trung ở những người ngoài 50, 60 tuổi.

Vừa giở sổ tính toán lại các khoản vay, bà Vũ Thị Nhi vừa phải trả lời những câu hỏi của hội viên trong chi hội về những vấn đề liên quan đến câu chuyện về làm ăn, chăn nuôi, về các khoản đóng góp, ủng hộ, hay chuyện nhà này nhà kia cãi cọ, xích mích. 

Hai vợ chồng ông Trần Chính Thông, bà Vũ Thị Nhi đều là cán bộ thôn bản. Ông Thông năm nay đã gần 70 tuổi, là Chi hội Trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Bà Nhi cùng lúc làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân và Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thôn Rạp.

Bà Nhi chia sẻ, ở tuổi này, cũng muốn nghỉ ngơi rồi, nhưng vì lớp trẻ còn mưu sinh, lo kinh tế nên những người như bà cố gắng hơn một chút. Được cái lời mình nói có uy tín, bà con còn tin, còn nghe nên việc làng, việc nước dù nhiều nhưng cũng nhẹ nhàng hơn đôi chút. Giờ chỉ cố gắng giữ sức khỏe, để làm sao đưa được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân nữa thôi.

Ở thôn Rạp, chính nhờ nguồn thu nhập ổn định từ những người trẻ đi làm việc ở các nhà máy, khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh và nguồn thu nhập ổn định từ trồng rừng, phát triển kinh tế mà các khoản thu, đóng góp, ủng hộ được bà con nhiệt tình ủng hộ. Có những khoản đóng góp, ủng hộ chỉ cần bà Vũ Thị Nhi thông tin lên Zalo là bà con đã chủ động mang tiền đến tận nhà.

Những ngôi làng vắng người trẻ, nhưng không vì thế mà “đứng yên”. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Rạp Triệu Việt Loan - người đã có thâm niên làm cán bộ thôn từ những năm 1992 - sau 30 năm miệt mài “vác tù và hàng tổng”, dân vẫn tin, Đảng vẫn cử và ông Loan vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. 

Ông bảo, mình có nền tảng từ trồng rừng, nên cũng sẵn sàng cống hiến cho xóm, cho bản. Ở thôn Rạp, không chỉ ông Loan, mà hầu như nhà nào cũng có thu nhập từ rừng. Cả thôn có gần 300 ha rừng sản xuất, như nhà ông Thông, ngoài 3 ha rừng, ông dành riêng 2 ha để trồng tre bát độ lấy măng. 

Mấy hôm nay ông bà phải thuê người ở làng khác đến thu hoạch rồi bán cho thương lái bên ngoài. Mức thu nhập bình quân đầu người ở thôn Rạp giờ đạt 43 triệu đồng/người/tháng - đạt mức thu nhập cao nhất nhì xã Tiến Bộ.

Câu chuyện “Ly nông không ly hương” đã từng được nhắc đến nhiều lần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Làng quê cần những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hợp tác xã, tổ hợp tác, để hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình… giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Trước khi giải được bài toán này, thì những làng quê vẫn sẽ vắng bóng lớp trẻ, những người già ở làng vẫn phải cáng đáng việc chung, việc riêng.

Trần Liên (Báo Tuyên Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem