Nằm tại số 83 An Điềm, quận 5 (TP.HCM), con đường nhỏ không mấy sầm uất như nhiều tuyến đường khác trong khu Chợ Lớn, vậy mà cứ tầm chiều tối, tiệm đồ ngọt Tường Phong lại khiến người Sài Gòn lại tấp nập tìm đến.
Nếu có gì đó nhộn nhịp nhất trên con đường An Điềm, ắt hẳn phải kể đến quán chè chính gốc người Hoa lâu đời này.
Nhiều người quen gọi là chè Tường Phong, song quán không tự gọi mình như thế. Nhìn kỹ, sẽ thấy mặt tiền quán có treo một biển tên theo kiểu chữ vẽ tay, trông đã cũ lắm, đến mức màu sơn bong tróc, nhòe mờ, không còn đọc rõ nữa. Khó nhìn ra, nhưng chính tấm biển này lại cho người ta một ngụ ý, quán chè này đã lâu đời lắm.
Tiệm chè Tường Phong tại quận 5. Video: Nguyên Thịnh
Trên tấm biển ấy, có ghi mấy chữ "Tiệm đồ ngọt Tường Phong". À, ra là không gọi "quán chè" như người ta vẫn nói, mà gọi là "tiệm đồ ngọt", cũng có nét… ngồ ngộ, một lối nói nay không còn thấy phổ biến nữa. Nhìn vào menu, thấy quán cũng in mấy chữ như thế.
Tiệm có không gian sáng sủa, sạch sẽ, không quá rộng nhưng trông cũng thông thoáng, bên trong kê bàn ghế cao cho khách ngồi. Nếu thích, bạn có thể ngồi vỉa hè ngay trước cửa. Chỗ này thì kê vài chiếc ghế nhựa con con, nhưng bù lại có thể vừa ăn vừa hóng mát, ngắm nhìn người ra người vào đông vui.
Menu của tiệm Tường Phong nếu đếm kỹ, có đến gần… 50 món. Mỗi món luôn có tên tiếng Việt kèm tiếng Hoa, đi cùng mức giá và hình ảnh "chân thực". Khách nhìn vào có thể biết ngay thành phần món ăn, chủ động gọi theo khẩu vị, sở thích.
Menu phong phú, trước hết chủ yếu là do các món được mix (kết hợp) các nguyên liệu với nhau, như nhãn nhục, hạt sen, bạch quả, táo đỏ, củ năng, củ sen, bo bo… Có những món nghe tên theo kiểu "cung đình hoàng gia" như Tứ bảo hay Ngũ phúc, song đơn giản cũng là một cách mix các nguyên liệu nói trên.
"Bạch quả bùi, dẻo ngậy, hơi đắng hậu, miếng củ năng giòn xốp, mọng nước, táo đỏ thì rất ngọt, dai dai. Các món chè ở đây ngọt thanh dễ chịu, hương vị cũng nhẹ nhàng, không quá gắt. Nhờ có thêm đá lạnh, nếm một ít nước đường, trôi tới đâu thấy "mát lòng mát dạ" tới đó", Tân Nhân (thực khách ngụ quận 5) chia sẻ.
Trong các thành phần được phối hợp, có một món khá hút khách ở tiệm đồ ngọt Tường Phong, chính là đậu hủ dừa màu sữa trắng phau, ăn nửa giống rau câu nửa giống khúc bạch, nhưng về kết cấu và hương vị thì nhẹ, thanh hơn rất nhiều, cắn vào cảm nhận được độ mềm mịn như tan ngay trên đầu lưỡi.
Đậu hủ dừa được đổ trong những khay lớn, người đứng quầy phải luôn tay xắt thành nhiều miếng nhỏ hình chữ nhật vừa ăn, để cho vào từng chén chè, hết tới đâu lại xắt ra tới đó.
Ngoài các món kể trên, ở tiệm đồ ngọt Tường Phong còn có nhiều món ngon chính gốc người Hoa. Có thể kể đến như sâm bổ lượng, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, tuyết nhĩ, đu đủ tiềm…
Bạn cũng có thể thử qua trà hột gà, ăn nóng hoặc lạnh, mỗi phần có cả trứng gà và trứng cút. Món sữa tươi hột gà chưng có màu vàng nhạt óng ả, trông như bánh flan, vị béo ngậy hấp dẫn. Quy linh cao có vị đắng đặc trưng. Hoặc như món chè mè đen thơm ngon, bổ dưỡng, khách phải đến Tường Phong vào thứ 7 hàng tuần mới có.
Các món chè ở đây nằm trong mức giá 18.000 đồng, 22.000 đồng, 28.000 đồng, 30.000 đồng… nghĩa là món nào nhiều thành phần nguyên liệu thì sẽ có giá nhích lên chút đỉnh. Một điểm cộng là chè ở tiệm Tường Phong được phục vụ trong những chiếc chén nhỏ, kiểu dáng trang nhã, xinh xắn.
"Quán thường rất đông vào buổi tối. Không gian quán cũng bé nên mình cũng xếp hàng đợi ăn hoặc mua về. Nhân viên phục vụ khá nhanh nhẹn", Thùy Linh (thực khách ngụ quận 1) nói.