Ngày 19/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công quận 7 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM lấy lời khai của Đỗ Tấn Lộc (32 tuổi, ngụ quận 7) để điều tra về cái chết của bà T.T.N. (quê Trà Vinh).
Theo cảnh sát, Lộc là nghi phạm lái ôtô chở thi thể người phụ nữ đến Công an phường Tân Thuận Tây, quận 7, đầu thú vào sáng nay. Cảnh sát sau đó đã kéo phương tiện từ Công an phường Tân Thuận Tây về trụ sở Công an quận 7 để phục vụ cho công tác khám nghiệm pháp y.
Theo lời khai ban đầu, Lộc đã lập gia đình nhưng có tình cảm với chị N., con chủ tiệm vàng ở Trà Vinh. Chiều 18/9, Lộc và chị N. hẹn nhau ở Trà Vinh để đi làm răng.
Trên đường di chuyển, chị N. liên tục hối thúc Lộc ly dị vợ. Cả hai sau đó xảy ra mâu thuẫn. Lộc được cho đã sử dụng hung khí đâm chị N., khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi gây án, Lộc chở thi thể người tình đến TP.HCM và được người thân vận động ra đầu thú.
Cảnh sát đang lấy lời khai Lộc để làm rõ thêm động cơ gây án.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với hành vi giết người rồi chở xác nạn nhân đến trụ sở cơ quan công an đầu thú như thông tin ban đầu, Lộc có thể sẽ bị xử lý về tội giết người.
Với thông tin ban đầu như vậy, cơ quan công an sẽ tiến hành thụ lý tin báo, tiến hành xác minh để làm rõ sự việc, làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, thu thập các dấu vết để lại trên chiếc xe ô tô, thu giữ hung khí gây án, giám định vân tay và các biện pháp nghiệp vụ khác để xác định sự thật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy lời khai của đối tượng là đúng, đối tượng có quan hệ tình cảm với nạn nhân, do mâu thuẫn đã sát hại nạn nhân, lời khai của đối tượng phù hợp với các dấu vết để lại trên cơ thể của nạn nhân, phù hợp với không khí gây án, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lộc về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Theo ông Cường, từ thông tin ban đầu thấy điều đáng chú ý trong vụ án này là mối quan hệ giữa đối tượng gây án và nạn nhân là mối quan hệ tình cảm yêu đương, quan hệ yêu đương này là vi phạm hôn nhân một vợ một chồng, thiếu chung thủy.
Đây là yếu tố để xác định tính chất của sự việc, đánh giá nhận thức, đạo đức của người gây án, là một trong những căn cứ để quyết định định hình phạt.
Vị chuyên gia phân tích, thông thường, khi nóng giận, ghen tuông người ta sẽ thiếu kiểm soát cảm xúc, có những hành vi côn đồ. Tuy nhiên sau khi cơn nóng giận qua đi, sự việc nghiêm trọng xảy ra, người thực hiện hành vi có thể sẽ sợ hãi mà bỏ trốn để tránh trách nhiệm.
Cũng có những trường hợp sau khi sự việc xảy ra, đối tượng nhận thức được hành vi của mình là sai phạm, sẵn sàng đối mặt với sự thật, chấp nhận chịu trách nhiệm pháp lý nên đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Khi sự việc chưa bị phát giác mà đối tượng gây án đã tự mình thừa nhận hành vi, tự mình khai báo với cơ quan chức năng, đây là tình tiết có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, hành vi này được xác định là tự thú.
Nhưng dù có được giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự, hành vi của đối tượng cũng là vi phạm đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, hành vi rất đáng lên án vì đã tước đoạt tính mạng của người khác.
Bởi vậy, nếu bị xử lý về tội giết người, đối tượng có thể phải đối mặt với hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.