Khung hình phạt của tội danh mà ông Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Hải Dương bị khởi tố
Khung hình phạt của tội danh ông Phạm Xuân Thăng - nguyên Bí thư Hải Dương bị khởi tố
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 18/09/2022 13:35 PM (GMT+7)
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố ông Phạm Xuân Thăng – nguyên Bí thư Hải Dương vì liên quan đến vụ Việt Á. Bộ luật hình sự quy định thế nào về tội danh mà ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố?
Khởi tố ông Phạm Xuân Thăng – nguyên Bí thư Hải Dương
Ngày 17/9, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT đang điều tra vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT xác định ông Phạm Xuân Thăng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và ông Phạm Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu để Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với ông Phạm Xuân Thăng và ông Phạm Mạnh Cường về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật hình sự.
Ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố ở khung hình phạt 10 đến 15 năm tù
Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự có chủ thể đặc biệt.
Ngoài việc có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định của pháp luật, người phạm tội phải là người có chức vụ, quyền hạn.
Theo bà Thơ, tội danh mà nguyên Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị khởi tố có 3 khung hình phạt. Trong đó, ông Thăng bị khởi tố theo khoản 3 Điều 356.
Khoản này quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
Như vậy, nếu bị truy tố và bị chứng minh là có tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tùy tính chất mức độ mà ông Phạm Xuân Thăng có thể đối mặt với khung hình phạt nêu trên.
Bình luận thêm về tội danh mà ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố, nữ luật gia cho biết, đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm cũng là các dấu hiệu rất quan trọng để xác định hành vi phạm tội.
Là dấu hiệu phân biệt sự khác nhau giữa tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với các tội phạm khác cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Trước hết, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Sau đó, người có chức chức vụ, quyền hạn phải đang trong khi thi hành công vụ.
Nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn nhưng không trong thời gian thực hiện công vụ thì không phạm tội này mà tùy từng trường hợp sẽ được định tội danh tương ứng.
Khác với các tội phạm khác, hậu quả của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hậu quả lại là dấu hiệu bắt buộc.
Nếu hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chưa gây thiệt hại sẽ chưa cấu thành tội phạm này.
Đặc biệt, theo bà Thơ, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Động cơ vụ lợi là động cơ mưu cầu lợi ích vật chất cho mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.
Động cơ cá nhân khác trong thực tế có thể là động cơ củng cố địa vị, uy tín cá nhân hoặc quyền lực cá nhân mà không mưu cầu lợi ích vật chất. Động cơ phạm tội là dấu hiệu pháp lý bắt buộc của tội này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.