Nhiều năm qua, loạt dự án lớn được quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhưng không thể triển khai, khiến ảnh hưởng đến sự phát triển của huyện Củ Chi, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Cách nay 20 năm, hàng ngàn hộ dân ở huyện Củ Chi vui mừng khi thông tin dự án Khu đô thị Tây Bắc, rộng hơn 6.000 ha, sẽ triển khai. Dự án định hướng thành một trong những khu đô thị vệ tinh với nhiều khu thương mại, tài chính, dịch vụ, y tế, giáo dục, khu đô thị... được kỳ vọng thay đổi bộ mặt phía Tây Bắc TP.HCM.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, khu đô thị này vẫn "nằm trên giấy". Hệ quả là hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch treo nhiều năm. Họ không thể sửa chữa, xây dựng nhà cửa dù nhu cầu rất bức thiết. Cuối năm ngoái, chính quyền TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho dự án điều chỉnh giảm 1.670 ha để gỡ vướng cho người dân xây cất, sửa chữa nhà ở...
Báo cáo Ban đô thị HĐND TP.HCM tại buổi giám sát việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP mới đây, huyện Củ Chi cho biết tỉ lệ các dự án đã thực hiện là khá thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 30% trên tổng số dự án được thông qua.
UBND huyện Củ Chi cho biết, toàn huyện có 95 dự án đã được HĐND TP có nghị quyết thông qua. Trong đó có 56 dự án thu hồi đất, dự án thu hồi đất có đất lúa dưới 10 ha là 32 dự án và trên 10 ha là 7 dự án.
Các dự án nêu trên đa phần đều được HĐND TP thông qua 9 đến 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay số lượng dự án đã hoàn thành rất khiêm tốn, chỉ đạt 30/95 dự án (chiếm tỉ lệ 31%). Số dự án đang triển khai là 39 (41%), huyện đề xuất hủy bỏ là 22 dự án (trong đó có hai dự án đã được HĐND chấp thuận hủy bỏ).
Các đại biểu HĐND TP đánh giá việc thực hiện các dự án đã được HĐND có nghị quyết thông qua tại huyện Củ Chi là rất thấp. Các đại biểu đề nghị huyện làm rõ nguyên nhân và cách giải quyết đối với các dự án sau khi thu hồi. Đồng thời, một số dự án đã được chấp thuận từ năm 2015 đến nay chưa triển khai nhưng vẫn tiếp tục đề xuất thực hiện.
Chia sẻ nguyên nhân chậm triển khai thực hiện nhiều dự án, ông Nguyễn Văn Vững - Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cho biết chủ yếu là do vướng ở khâu bồi thường, tái định cư.
Theo ông Vững, hiện nay huyện Củ Chi không có dự án tái định cư nên rất khó để vận động người dân. Theo quy định, phải có khu tái định cư trước khi thực hiện dự án. Thêm vào đó, giá đất để bồi thường cho người dân khi thu hồi đất hiện nay rất thấp nên tỉ lệ người dân đồng thuận là rất ít. Nhiều dự án tại Củ Chi có giá bồi thường thấp hơn giá thị trường rất nhiều nên khó vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Ông Vững cũng cho hay hiện nay việc thu thập giá đất dựa trên ba hợp đồng giao dịch thành công tại một vị trí đất thường không chính xác. Nguyên nhân là người dân khi chuyển nhượng thì giá cao nhưng ghi trên hợp đồng là giá rất thấp để né thuế. Vì vậy, khi xác định giá đất để bồi thường căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành là chênh lệch rất lớn đối với giá đất chuyển nhượng thực tế.
Mặt khác, Quyết định 28 của UBND vừa ban hành quy định hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường đất ở tại huyện Củ Chi tăng lên 2 lần (từ 13 lên 15 lần). Trong khi đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư trước đây hệ số K là 25, ngoài khu dân cư là 15 thì nay đều ở mức 15 lần so với bảng giá đất. Điều này dẫn đến giá bồi thường đất nông nghiệp thấp hơn trước đây. "Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai các dự án. Vì chậm thực hiện nên các dự án đã đội vốn lên rất nhiều so với thời điểm phê duyệt dự án", ông Vững cho hay.
Được biết liên quan đến vấn đề chậm triển khai các dự án tại huyện Củ Chi, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo gỡ vướng. Theo đó, tháng 9/2022, Văn phòng UBND TP.HCM đã thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi làm việc với UBND huyện Củ Chi vào ngày 19/8. Các dự án lớn ở huyện Củ Chi đã được UBND TP yêu cầu tập trung giải quyết trong tháng 9. UBND TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành.
Cụ thể, lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các nội dung huyện đề xuất chưa được sở, ban ngành phúc đáp hoặc hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể; giao sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp huyện nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng; hoàn thành trong tháng 9.
Ngoài ra, đối với vụ việc phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ hoặc có nhận thức, cách hiểu khác nhau, không thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UNBD TP giao các sở, ban ngành TP chủ động tham mưu, đề xuất phương án giải quyết, trình UBND TP xem xét, quyết định, hoàn thành trong quý 4 năm nay.