Liên quan đến vụ việc 6 cá thể tê giác 2 sừng đồng loạt chết tại khu sinh thái ở Nghệ An, sáng 21/9, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết: Xét đề nghị của khu sinh thái, cơ quan chức năng đã đồng ý để khu sinh thái giữ lại phần đầu của 6 cá thể tê giác để làm tiêu bản phục vụ trưng bày, nghiên cứu khoa học.
Lực lượng chức năng cũng đo, cân, niêm phong sau đó bàn giao cho khu sinh thái bảo quản. Khi khu sinh thái thực hiện làm tiêu bản cơ quan chức năng cũng sẽ kiểm tra, xác nhận trước lúc thực hiện. Cơ quan chức năng cũng đã tiêu hủy phần thân của 6 cá thể tê giác theo quy trình.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, 6 cá thể tê giác đồng loạt chết tại khu sinh thái ở địa bàn xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An vào ngày 16/9 là loài tê giác 2 sừng không quý hiếm như loài tê giác 1 sừng, mỗi cá thể nặng hơn 1 tấn, được đơn vị này nhập khẩu về từ nhiều năm nay. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Nghệ An đã khám nghiệm, lấy mẫu gửi ra Hà Nội để phục vụ quá trình điều tra. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao 6 cá thể tê giác đồng loạt chết tại khu sinh thái.
Tê giác là động vật ăn cỏ, do đó việc chăm sóc cũng không quá phức tạp và tốn kém như một số loài động vật ăn thịt khác. Tại Việt Nam, hiện tê giác không còn trong môi trường tự nhiên.
Khu sinh thái nơi 6 cá thể tê giác bị chết đóng tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Nơi đây có vườn thú hoang dã với hàng chục loài động vật, hơn 2000 cá thể thú, trong đó có nhiều cá thể quý hiếm như hổ trắng, tê giác hai sừng, hươu cao cổ, voi... được nuôi để phục vụ du lịch.