Để nâng cao giá trị các giống lúa gạo đặc sản, cũng như giúp người trồng lúa tăng thu nhập, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT Điện Biên tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo cánh đồng Mường Thanh tỉnh Điện Biên".
Là vựa lúa lớn nhất khu vực Tây Bắc với diện tích trên 140km2, cánh đồng Mường Thanh nằm trọn trong lòng chảo Điện Biên với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đã đem lại nguồn lương thực dồi dào. Để tạo ra thương hiệu gạo thơm ngon nổi tiếng như hiện nay là một quá trình trau dồi kinh nghiệm và thay đổi tư duy sản xuất của người dân trên cánh đồng Mường Thanh.
Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo đã hình thành, đem lại những kết quả đáng kể với sự tham gia của Trung tâm Khuyến nông, các doanh nghiệp, hợp tác xã…, điển hình là dự án "Xây dựng mô hình thâm canh lúa chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc" triển khai tại Điện Biên và các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, 100% nông hộ đã áp dụng rất tốt vào các kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng với các mô hình trồng lúa Séng Cù, Già Dui, Bắc Thơm… Kết quả các mô hình cho thấy lượng giống giảm từ 11,1 - 67,7%; lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm từ 8,3 - 66,7%; năng suất lúa đạt 48 - 59,2 tạ/ha, vượt 7 - 13,8 tạ/ha so với sản suất theo truyền thống, qua đó giúp bà con có lợi nhuận cao hơn từ 21 – 53,5%.
Mấy năm gần đây, gia đình anh Lò Đức Hạnh, đội 15, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã đưa vào sản suất các giống lúa chất lượng cao như Séng Cù, Bắc Thơm 7. Tuy nhiên, do xuất hiện lúa tạp, lúa lẫn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo của gia đình, khiến việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường gặp khó khăn.
Từ khi tham gia mô hình một giống, được tiếp cận, sử dụng máy cấy thì năng suất, chất lượng lúa gạo của gia đình được nâng lên đáng kể, giảm hẳn lúa tạp.
Được biết, mô hình một giống tại xã Thanh Xương thu hút gần 100 hộ dân tham gia với tổng diện tích khoảng 20ha. Mô hình được chia làm hai khu, chủ yếu cấy 2 giống chất lượng cao là Séng Cù và Nam Hương 4.
Tham gia mô hình, người dân áp dụng đồng loạt các biện pháp kỹ thuật trên toàn diện tích ngay từ đầu vụ như: Cấy tập trung bằng máy, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật... Tỷ lệ lúa lẫn, cỏ dại giảm tới gần 90% so với diện tích ngoài mô hình; cây lúa sinh trưởng đều, trổ bông tập trung.
Tại Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo cánh đồng Mường Thanh tỉnh Điện Biên", chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã chỉ rõ lợi thế riêng biệt của lúa gạo sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh, đó chính là thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng; nguồn lao động dồi dào có kinh nghiệm trồng lúa đặc sản, lại thường xuyên được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh khác trong khu vực miền núi phía Bắc, sản xuất lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khắc nghiệt; phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, giá trị gạo Điện Biên.
Đồng tình với đánh giá của chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cán bộ nông nghiệp huyện Điện Biên dẫn chứng: Mỗi gia đình sản xuất 2.900m2 lúa trên cánh đồng Mường Thanh thì mỗi tháng thu nhập chỉ đạt 740.000 đồng. Mức thu nhập này là rất thấp, nguyên nhân chính là do chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm bán ra thường thấp và không ổn định…
Khắc phục thực trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh, tại hội thảo, các chuyên gia đã nêu lên 3 nhóm giải pháp gồm: chính sách; kỹ thuật; cơ sở hạ tầng sản xuất. Trong đó cần chú trọng xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại các xã vùng lòng chảo (cánh đồng Mường Thanh); đảm bảo thực hiện đồng bộ các hoạt động theo quy trình 7 khâu liên hoàn: Canh tác - Thu hoạch - Chế biến - Đóng gói - Bảo quản - Vận chuyển - Tiêu thụ.
Việc xây dựng hạ tầng cơ sở vùng chuyên canh sản xuất cần thực hiện 3 nội dung trọng tâm: Dồn diền đổi thửa, kiên cố hóa kênh thủy lợi nội đồng; hỗ trợ xây dựng kho bảo quản, dây chuyền chế biến sau thu hoạch. Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh Điện Biên xem xét, chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án phê duyệt chi tiết quy hoạch cánh đồng Mường Thanh gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, Điện Biên là tỉnh có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển lúa gạo chất lượng cao theo hướng hàng hóa. Để khai thác tốt tiềm năng này, tỉnh cần đầu tư thêm các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường tập huấn cho bà con nông dân kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến.
Hạn chế việc đốt rơm rạ, sử dụng rơm rạ sau thu hoạch để sản xuất phân bón, sản xuất nấm ăn… Tăng cường công tác khuyến nông, đặc biệt là thông tin tuyên truyền, xây dựng mô hình khuyến nông; Thúc đẩy liên kết, tiêu thụ, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn...
Trung bình từ năm 2010 đến năm 2021, diện tính sản xuất lúa của các tỉnh miền núi phía Bắc đạt trên 668.000 ha/năm, sản lượng lúa dao động từ 3,1 – 3,4 triệu tấn/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu an ninh lương thực cho cư dân trong vùng.