Đêm 22 rạng sáng 23/9/1945 ở Nam bộ, được sự hậu thuẫn của Mỹ và Anh, quân Pháp sau nhiều ngày khiêu khích đã nổ súng tấn công vào trụ sở UBND Nam bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, bưu điện, nhà đèn, kho bạc, đài phát thanh. Đồng bào nhiều nơi đã đứng dậy đấu tranh. Tiểu đội bảo vệ các cơ quan chống cự mãnh liệt với quân Pháp đến viên đạn cuối cùng.
Giữa đêm không ngủ ấy, rạng sáng 23/9, Xứ ủy và UBND Nam bộ triệu tập cuộc họp tại nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5) để lấy ý kiến về phát động kháng chiến. Hội nghị diễn ra căng thẳng giữa 2 luồng ý kiến: đấu tranh ngay hay chờ xin ý kiến Trung ương rồi mới đánh.
Cuối cùng, hội nghị kết luận theo tinh thần của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu: "Địch đánh ta thì ta phải đánh lại. Ta không đánh lại thì địch càng đánh tới, ta càng mất đất, mất dân, nhất là mất lòng tin của dân. Ta không đánh thì dân cũng đánh mà thiếu tổ chức, thiếu chỉ huy. Dân đánh mà ta không đánh thì ta làm sao lãnh đạo được nữa".
"Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô dân quân Nam nhịp chân tiến lên trận tiền".
Trích bài hát Nam Bộ kháng chiến của Tạ Thanh Sơn.
Trong hồi ký của mình, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu kể, ông đã bắt tay viết Lời kêu gọi kháng chiến ngay từ khi được báo tin về tình hình chiến sự. Vào hội nghị, ông báo cáo tình hình, đề nghị anh em bổ sung, chỉnh lý.
Trước nhiều ý kiến băn khoăn, phản bác, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu kiên quyết bảo vệ quan điểm: Không chờ chỉ thị mới bắt đầu kháng chiến.
"Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình… Vua sẽ xem xét sau, đúng thì khen, sai thì trị tội, thì chém đầu. Tôi bây giờ là tướng biên cương. Tôi thấy có trách nhiệm phải quyết định" (trích trong Hồi ký của Giáo sư Trần Văn Giàu).
Nói xong, ông đọc lời kêu gọi kháng chiến, rồi cho đi in ngay ở Chợ Lớn với "số lượng vô tận". Để rồi sáng hôm sau, "Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ" đã được dán đầy trên những bức tường, được đồng bào, binh sĩ chuyền tay nhau đọc, được gửi lên xe đò về lục tỉnh.
Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ có đoạn: "Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: "Độc lập hay là chết!". Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược".
Lời hiệu triệu như thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đang hừng hực trong lòng nhân dân miền Nam mới vừa thoát khỏi ách thống trị hơn 3/4 thế kỷ của thực dân Pháp.
Ngày 26/9, thông qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nhân dân Nam bộ bức thông điệp vạch trần âm mưu, hành động xâm lược của thực dân Pháp, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ, kêu gọi đồng bào Nam bộ đoàn kết một lòng đứng lên đấu tranh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
77 năm trôi qua, Nam bộ kháng chiến vẫn là sự kiện lịch sử sáng ngời ý chí và tinh thần yêu nước của nhân dân Nam bộ. Và bài học về phát huy sức mạnh lòng dân trong những ngày mùa thu ấy vẫn vẹn nguyên giá trị.
Những kết quả quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19, trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đều mang dấu ấn đậm nét của tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của toàn thể người dân TP.HCM. Giờ đây, khi dịch đã đi qua, TP.HCM đã phục hồi những bước vững chắc, yêu cầu đặt ra là "đầu tàu cả nước" phải chuyển động nhanh hơn để lấy lại những gì đã mất trong 2 năm đại dịch, và đóng góp lớn hơn cho sự phục hồi, phát triển của cả nước.
Khi dịch được kiểm soát, kinh tế TP phục hồi nhanh và ấn tượng ngay từ những tháng đầu năm 2022. GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so cùng kỳ năm 2021.
Như lời nhận xét của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả công tác năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 hồi tháng 3/2022: "TP.HCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc".
Kỷ niệm 77 năm ngày Nam Bộ kháng chiến, từ ngày 20 đến 30/9, triển lãm "Vang mãi khúc tráng ca Nam Bộ kháng chiến" diễn ra tại đường Đồng Khởi (quận 1), phía trước Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM. Triển lãm gồm 2 phần: phần 1 với chủ đề "Miền Nam đi trước về sau" và phần 2 là chủ đề "Phát huy hào khí Nam Bộ kháng chiến xây dựng và phát triển TP.HCM".
Tại Công viên Chi Lăng (quận 1) là triển lãm "Nam Bộ thành đồng, vươn mình phát triển" với các nội dung "Truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình của vùng đất Nam Bộ"; "TP.HCM kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; các chương trình biểu diễn văn nghệ vào tối 23/9 để phục vụ người dân.