Sáng 23/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả điều hành quý III/2022.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, từ đầu năm đến nay kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều NHTW tăng lãi suất, áp lực lạm phát gia tăng. Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có những kết quả tăng trưởng nhất định, lạm phát được kiểm soát. Đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ.
Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Về tỷ giá, 9 tháng đầu năm đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%). Trong đó, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).
Về điều hành lãi suất, ông Quang cho biết: Ngày 22/9/2022, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,75% và sau 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành (federal funds rate) lên mức 3-3,25%/năm, đồng thời Fed dự báo tiếp tục tăng lãi suất và duy trì trên 4%/năm sau năm 2023 để kiềm chế lạm phát, chỉ số USD tăng cao kỷ lục so với nhiều năm trở lại đây.
Động thái của Fed đã "kích" hoạt hàng loạt NHTW trên thế giới nâng lãi suất. Trong đó, Việt Nam cũng ngay lập tức tăng thêm 1% tất cả lãi suất điều hành, tăng 0,3% đối với trần lãi suất có kỳ hạn dưới 1 tháng và 1% với kỳ hạn 1 tháng – 6 tháng.
Ông Quang cho rằng, khác với các cuộc chiến tiền tệ trước, đây là cuộc chiến tiền tệ giữ cho đồng tiền không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế. Do đó, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt.
Thông tin thêm về động thái tăng lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, động thái này đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Đây là công cụ điều hành, khi cần tăng sẽ tăng, khi cần giảm sẽ giảm để đảm bảo mục tiêu chung, thích ứng với tình hình mới.
Về lãi suất cho vay, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
"Về lãi suất cho vay, trên tinh thần chúng tôi kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, ứng dụng công nghệ hiện đại giảm chi phí chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Chúng ta đang làm tốt giải pháp này. Điều này được thể hiện qua con số 52.000 tỷ đồng từ miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19", Phó Thống đốc thông tin.
Về điều hành tỷ giá, ông Tú cho rằng, việc đồng USD lên giá cao, lãi suất của Fed liên tục tăng và dự báo đà tăng duy trì trong năm 2023. Chính vì vậy, đây là thời kỳ có thể nói là khó khăn lịch sử trong nhiều năm qua đối với chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"NHNN tiếp tục điều hành đảm bảo ổn định tỷ giá, duy trì trạng thái ngoại tệ hợp lý theo nhu cầu thị trường", ông Tú khẳng định.
Đối với tăng trưởng tín dụng, theo chia sẻ của Phó Thống đốc, hạn mức tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2022 là 14% và có xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Vừa qua, NHNN đã thực hiện điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi giám sát để có những đánh giá kịp thời về tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, làm sao để vừa kiểm soát lạm phát, vừa tăng trưởng tín dụng hợp lý cho năm 2022, tiền đề cho năm 2023. Bởi, ông Tú cho rằng năm 2023 cũng là năm khó khăn đối với chính sách tiền tệ.
NHNN chỉ đạo các TCTD hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực ưu tiên như chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó, tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2%. Để đẩy mạnh triển khai hỗ trợ lãi suất, NHNN thành lập các đoàn kháo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các ngân hàng thương mại và các địa phương. Ngành ngân hàng tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, tháo gỡ khó khăn liên quan đến triển khai hỗ trợ lãi suất.