Fed tăng lãi suất, cảnh báo còn tiếp tục: Ngân hàng Nhà nước nên ứng xử thế nào?

Nhật Minh Thứ năm, ngày 22/09/2022 10:10 AM (GMT+7)
Câu hỏi lớn của giới đầu tư trong những tuần qua đã có câu trả lời khi Fed chính thức tăng lãi suất 0,75 điểm %. Đồng thời, báo hiệu việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho đến khi đạt mức 4,6% vào năm 2023. Ngân hàng Nhà nước đã đến lúc điều chỉnh lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động?
Bình luận 0

Trong cuộc họp chính sách quan trọng ngày 21/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã thống nhất đưa lãi suất quỹ liên bang Mỹ lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008, sau khi tăng thêm 0,75% trong lần thứ 3 liên tiếp sau phiên họp 2 ngày 20 – 21/9.

Các dự đoán từ cuộc họp cho thấy Fed sẽ tăng ít nhất 1,25% trong 2 cuộc họp còn lại của năm nay. Các quan chức Fed cũng báo hiệu việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho đến khi lãi suất quỹ liên bang đạt mức 4,6% vào năm 2023. Điều đó có nghĩa là năm tới lãi suất vẫn chưa thể giảm.

Fed tăng lãi suất, cảnh báo còn tiếp tục: Ngân hàng Nhà nước nên ứng xử thế nào? - Ảnh 1.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed đã thống nhất đưa lãi suất quỹ liên bang Mỹ lên mức 3% - 3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 (Ảnh: Reuters)

Lãi suất điều hành dự báo sẽ tăng, trần lãi suất huy động 4% không còn phù hợp?

Liên hệ tới Việt Nam, Tổng Giám đốc một ngân hàng lớn cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp trong thời gian tới vì sau lần tăng lãi suất này, Fed có thể sẽ tăng ít nhất 1,25% lãi suất trong 2 cuộc họp còn lại của năm nay. Điều này gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá.

Do đó, vị này dự báo lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dần trong khoảng 50-75 điểm % từ nay cho tới cuối năm 2022.

Fed tăng lãi suất, cảnh báo còn tiếp tục: Ngân hàng Nhà nước nên ứng xử thế nào? - Ảnh 2.

Lãi suất điều hành dự báo sẽ tăng từ nay cho tới cuối năm. (Ảnh: IT)

Có nhiều nhận định, đánh giá khác nhau về vấn đề tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhưng theo TS.Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cho rằng có ba mục tiêu chính.

Thứ nhất, thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao.

Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Bởi sau đại dịch Covid-19, các nước sử dụng biện pháp tăng tiền lương để kéo lao động thì lại rơi vào một hiệu ứng nan giải: giá tăng khiến tiền lương tăng, tiền lương tăng làm cho giá tăng.

Ngoài ra, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống. Chính vì vậy, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng. Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, Ngân hàng Nhà nước chỉ cần tăng lãi suất lên là VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi Fed tăng lãi suất 0,75 điểm % và cuối năm nay sẽ đạt mức 4 – 4,25%, nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn để trần lãi suất huy động 6 tháng ở mức 4% là "không ổn".

"Ngân hàng Nhà nước nên tăng trần lãi suất huy động để tạo nên một điểm hoán đổi tiền tệ giữa đồng USD và VND", ông Phước khuyến nghị.

Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính nhận định Fed tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % sẽ gây áp lực khá lớn lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bởi việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến hai yếu tố. Một là về tiền tệ, sẽ buộc Việt Nam phải tăng lãi suất. Hai nữa Fed tăng lãi suất sẽ làm cho đồng USD tiếp tục đi lên, Việt Nam sẽ ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá hối đoái.

"Hiện nay Việt Nam vẫn chủ trương giữ ổn định cả lãi suất lẫn tỷ giá hối đoái. Thế nên áp lực đó buộc Việt Nam bước vào một giai đoạn khó khăn, là lựa chọn là giữ ổn định lãi suất hay giữ ổn định tỷ giá hối đoái", TS. Vũ Đình Ánh phân tích.

Nhiều áp lực tăng lãi suất huy động

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, động thái tăng lãi suất của Fed cùng với thông điệp duy trì lộ trình tăng lãi suất cho tới năm 2023, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Tỷ giá "căng" gần đây cũng khiến Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa hút tiền về, càng làm thanh khoản tiền đồng của hệ thống bớt dồi dào.

Các yếu tố khiến cho lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng còn đến từ việc Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (chỉ tăng 4,2% so với đầu năm, và tăng 9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Hơn nữa, thanh khoản cuối năm 2022 dự báo sẽ gặp căng thẳng khi các ngân hàng cần chuẩn bị khoảng 250.000 tỷ đồng để thanh toán cho các giao dịch mua USD kỳ hạn từ Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động ở các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm 2022", các chuyên gia phân tích dự báo.

"Thị trường rất nóng về huy động vốn, kéo theo nhiều tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động lên rất cao, lãi suất chênh lệch có khi lên tới 1%/năm cùng kỳ hạn ở các ngân hàng khác nhau", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank cho hay.

Trên thực tế, cuộc đua lãi suất vẫn âm thầm diễn ra tại các ngân hàng trong vài tháng trở lại đây. Thống kê cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã tăng đáng kể lần lượt là 40 và 48 điểm cơ bản kể từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã tăng lần lượt 3 và 7 điểm cơ bản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem