Chương trình "Safe Use Ambassador" được Bayer Việt Nam khởi động dưới hình thức cuộc thi dành cho sinh viên ngành nông nghiệp thuộc Khoa Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ và Đại học Nông Lâm - Đại học Huế. Thông qua cuộc thi này, Bayer hướng đến việc nâng cao nhận thức và cung cấp các kiến thức hữu ích về việc sử dụng thuốc trừ sâu và các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách an toàn cho sinh viên, để từ đó, các bạn sẽ tiếp tục lan tỏa các thông điệp này nhà nông và cộng đồng một cách hiệu quả.
Chương trình mong muốn nâng cao nhận thức và cung cấp các kiến thức hữu ích về việc sử dụng thuốc trừ sâu và các sản phẩm thuốc BVTV một cách an toàn cho sinh viên, nhà nông và cộng đồng.
Ông Chu Việt Hà, Giám đốc Nhánh Khoa học Cây trồng của Bayer Việt Nam, chia sẻ: An toàn của nhà nông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững của Bayer. Công ty không ngừng nghiên cứu cũng như phối hợp với nhiều đối tác chiến lược nhằm đảm bảo tính an toàn và bền vững của các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động, hạn chế các tác động môi trường, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của nhà nông về hiệu quả trong sử dụng. Một phần quan trọng trong hành trình này là đảm bảo tất cả nhân viên của Bayer và nhà nông được đào tạo và tiếp cận các kiến thức về sử dụng các thuốc BVTV đúng cách và có trách nhiệm, từ lúc sản xuất, phân phối, sử dụng cho đến khi tiêu hủy bao bì và các thùng chứa.
Đại diện Bayer Việt Nam ký biên bản hợp tác với trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế.
Đến năm 2050, dân số Trái Đất được dự báo sẽ tăng thêm hai tỷ người, đồng thời sản xuất nông nghiệp cần tăng 50% so với thời điểm hiện tại để đáp ứng nhu cầu người dân. Trong khi đó, mỗi năm sản lượng nông sản mất đi từ 26% đến 40% do các vấn đề về cỏ dại, sâu hại và dịch bệnh . May mắn thay, thống kê cho thấy sản lượng các loại cây lương thực chính đã tăng gấp ba lần so với năm 1960 nhờ ứng dụng hiệu quả các giải pháp thuốc trừ sâu nhằm bảo vệ cây trồng khỏi các tác động của sâu hại, dịch bệnh và cỏ dại, từ đó bảo toàn được năng suất tối ưu của cây trồng trên mỗi hecta. Chính vì thế, nhà nông ngày này có thể đạt được sản lượng cao hơn trong điều kiện diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu cũng như các sản phẩm BVTV hợp lý, an toàn và có trách nhiệm cần được đặc biệt quan tâm. Thiếu kiến thức và sử dụng thuốc BVTV không đúng cách thường dẫn đến những nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người cũng như để lại tác động tiêu cực lâu dài đến môi trường.
Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 10.000 sinh viên tại 8 quốc gia được đào tạo thành ‘Đại sứ’ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.
Nhằm phổ cập kiến thức và mở rộng tầm ảnh hưởng của các hoạt động tập huấn đến thêm nhiều nhà nông, Bayer đã ra mắt chương trình Safe Use Ambassador vào năm 2017 với mục tiêu xây dựng một mạng lưới các đối tác và ‘đại sứ’ giúp chia sẻ và lan tỏa rộng rãi thông điệp sử dụng thuốc BVTV an toàn đến cộng đồng. Đến năm 2020, Bayer đã triển khai chương trình với 40 trường đại học tại 8 quốc gia, và đến nay đã có hơn 10.000 sinh viên được đào tạo thành ‘Đại sứ’ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Các ‘Đại sứ’ này tiếp tục sứ mệnh đề xuất các giải pháp và mô hình tập huấn sáng tạo nhằm tiếp cận và phổ cập kiến thức đến hàng nghìn nông dân.
Khi tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ được tham dự một buổi tập huấn kiến thức chuyên môn.
Tham gia cuộc thi, sinh viên sẽ được tham dự một buổi tập huấn kiến thức chuyên môn để có thể xây dựng nội dung tập huấn hiệu quả cho nhà nông địa phương về việc sử dụng và tiêu hủy thuốc BVTV đúng cách. Sinh viên có dự án triển khai hiệu quả và thành công nhất sẽ là người chiến thắng trong cuộc tìm ‘Đại sứ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật An toàn’ và được tham gia chuyến tham quan học tập tại Đức cùng nhiều chuyên gia và thí sinh chiến thắng từ các quốc gia khác do Bayer tài trợ. Một điểm đặc biệt ở cuộc thi năm nay là những sinh viên có phần thể hiện sáng tạo và ấn tượng xuyên suốt cuộc thi sẽ có cơ hội thực tập tại Nhánh Khoa học Cây trồng – công ty Bayer Việt Nam.
PGS.TS Lê Văn Vàng, Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Đại học Cần Thơ, cho biết: Sử dụng thiết bị bảo hộ phù hợp và xử lý bao bì, thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất nông nghiệp sẽ giúp giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về sức khỏe cho nông dân trong quá trình canh tác. Cuộc thi này sẽ là cơ hội cho sinh viên tiếp cận những kiến thức cập nhật, rèn luyện kỹ năng, được kết nối và học hỏi từ nhiều chuyên gia nông nghiệp và bạn sinh viên từ các trường khác, từ đó có sự chuẩn bị tốt cho sự nghiệp của mình trong tương lai.