Sáng ngày 23/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn khuyến nông với chuyên đề “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tham dự diễn đàn có hơn 150 đại biểu là những cán bộ quản lý, chuyên gia nông nghiệp, đại diện các HTX, doanh nghiệp và nông dân ở 7 tỉnh, thành phố tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Văn Hồng - Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia nhận định: "Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức do biến đổi khí hậu gây ra. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, các đợt lạnh tăng cường ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên cho thấy biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn ở Việt Nam".
"Để ứng phó với những bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra cho sản xuất nông nghiệp, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm.
Bằng các giải pháp công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường" - ông Hồng nói.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện HTX, doanh nghiệp và nông dân của các tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận những nội dung về phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, giúp chủ động trong sản xuất, khắc phục tính vụ mùa, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm.
Trong đó, đề cập nhiều nhất là những cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp thông minh; vấn đề quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các giải pháp về khoa học công nghệ, nguồn vốn cũng như phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng sử dụng vận hành và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực trồng trọt, Lâm Đồng hiện có hơn 63.000ha ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, diện tích canh tác theo công nghệ IoT 377ha và 65ha canh tác thủy canh, khí canh. Toàn tỉnh có 376,6 ha ứng dụng công nghệ thông minh.
"Tỉnh Lâm Đồng có kinh nghiệm trên 15 năm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất cũng như trình độ canh tác, chăn nuôi của nông dân Lâm Đồng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Các doanh nghiệp, HTX, nông dân luôn sẵn sàng tiếp thu các công nghệ thông minh trong sản xuất, chăn nuôi và quản lý trang trại.
Trước những khó khăn do biến đổi khí hậu như hiện nay, đòi hỏi ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phải có những nỗ lực hơn nữa trong các chính sách, biện pháp tăng cường nhận thức và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, song song với phát triển kinh tế nhằm tăng cường sức cạnh tranh. Trong đó phát triển nông nghiệp thông minh là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư", ông Nguyễn Văn Châu cho biết.
Trước khi tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, Ban tổ chức diễn đàn đã cùng các đại biểu tham quan mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ IoT của anh Trần Đức Nam (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt).
Trao đổi với đoàn tham quan, anh Nam cho biết, trong vườn của anh việc tưới nước, tưới phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đều được điều khiển hoàn toàn tự động. Mỗi khu vực trồng dâu của anh Nam đều được lắp các thiết bị cảm biến.
Thiết bị này có nhiệm vụ lấy thông tin về độ ẩm, nhiệt độ trong nhà kính cũng như trong đất để truyền về trung tâm điều khiển. Từ các thông số được truyền về, trung tâm điều khiển sẽ tự động điều chỉnh rồi xử lý nhằm cho cây dâu phát triển tốt nhất.
Ví dụ, ở một khu vực trồng dâu nào đó của trang trại có tình trạng thiếu nước, các thiết bị cảm biến sẽ truyền thông tin về hộp điều khiển, từ đó trung tâm điều khiển sẽ tự động tưới nước bằng hệ thống nhỏ giọt ở khu vực đó cho đến khi đạt yêu cầu đã lập trình sẵn.
Ông Hoàng Văn Hồng cũng nhận định, có thể nói việc phát triển nông nghiệp thông minh sẽ là bước đột phá tiếp theo trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên phát triển nông nghiệp thông minh của Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở dữ liệu số chưa được thiết kế và số hoá đồng bộ; khả năng cung ứng công nghệ cho nông nghiệp thông minh còn hạn chế; tỷ lệ tự động hóa trong nông nghiệp chưa cao; đầu tư cho phát triển nông nghiệp thông minh còn hạn chế; chưa có cơ chế ưu đãi về tín dụng và đất đai cho phát triển nông nghiệp thông minh…