Dân Việt

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn

Bùi My 24/09/2022 14:02 GMT+7
Kết quả hội thảo có giá trị quan trọng, thiết thực đối với việc lập hồ sơ quần thể di tích thương cảng Vân Đồn và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Sáng nay (24/9), tại tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn". Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu, đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học…

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn - Ảnh 1.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn. Ảnh: Bùi My


Nội dung hội thảo công bố các kết quả, thành tựu nghiên cứu về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn từ kết quả các dự án khai quật khảo cổ học, điền dã và hợp tác quốc tế. 

Thảo luận, đánh giá toàn diện của quần thể di tích thương cảng Vân Đồn (các vấn đề về cảnh quan và môi trường, lịch sử, giao thương hàng hải, giao lưu kinh tế, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các vấn đề liên quan đến con đường giao thương hàng hải, kinh tế biển, quân sự…) để xác định các tiềm năng phát triển của địa phương gắn với các giá trị di sản, góp phần phát triển xác định phạm vi không gian di tích.

Hội thảo tập hợp 34 bài viết tham luận về các chủ đề, trong đó có 4 bài tham luận của nhóm chuyên gia, chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ), 28 bài tham luận của cơ quan nghiên cứu trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, và 2 bài tham luận của địa phương.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩ, giá trị của quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Kết quả hội thảo có giá trị quan trọng, thiết thực đối với việc lập hồ sơ quần thể di tích thương cảng Vân Đồn với việc định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện Vân Đồn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy mong rằng, kết quả chuyên môn của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh – một vùng "địa linh, nhân kiệt" và thương cảng quốc tế Vân Đồn - một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước.

Đồng thời, tiếp tục làm sáng tỏ tiềm năng, định hướng phát triển của Quảng Ninh gắn với các giá trị di sản, gia tăng giá trị cho du lịch và một số ngành kinh tế biển, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh và đất nước.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn - Ảnh 2.

Các đại biểu chủ trì hội thảo "Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn". Ảnh: Bùi My


Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận định, tiềm năng sức mạnh của thương cảng Vân Đồn được hợp tụ bởi nhiều nhân tố, đó là sự kết hợp giữa vị trí địa lý chiến lược (tài nguyên vị thế) với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ; là sự giao hòa giữa một vùng tài nguyên giàu có với chính sách khai mở của một quốc gia; là địa bàn tập trung của nhiều nguồn hàng có giá trị trong nước với các nguồn thương phẩm khu vực dồn tụ về qua các tuyến giao thương vùng, liên vùng.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn - Ảnh 3.

Tranh vẽ bến Cái Làng - trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn. Ảnh tư liệu tại Bảo tàng Quảng Ninh.


Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhận định, thương cảng cổ Vân Đồn có nét đặc biệt là thương cảng biển đảo và có một hệ thống cảng, còn các thương cảng cổ khác của Việt Nam như Phố Hiến, Hội An là thương cảng sông và chỉ có một cảng. Đây chính là điểm khác biệt độc đáo làm nên giá trị của thương cảng Vân Đồn.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cần có cơ chế mô hình hợp tác công tư trong bảo tồn văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy quần thể di tích thương cảng Vân Đồn nói riêng.

Hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học đánh giá toàn diện về quần thể di tích thương cảng Vân Đồn - Ảnh 4.

Tiến sĩ Lê Thị Liên tham luận về "Giao lưu văn hóa thương mại ở thương cảng Vân Đồn - Nhìn nhận từ tư liệu khảo cổ học di tích Cống Cái - Sơn Hào". Ảnh: Bùi My


Theo Tiến sĩ Lê Thị Liên (Hội Khảo cổ học Việt Nam) chia sẻ, tại đảo Cống Đông, Cống Tây và một số khu vực khác, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được rất nhiều loại hình di vật, chủ yếu là gốm sứ, ngoài đồ gốm Việt Nam còn có nhiều đồ gốm xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là đồ gốm Trung Quốc, men rất dày và chất lượng tốt. Điều này khẳng định đây là khu vực giao thương rất phát triển, đặc biệt trong giai đoạn thế kỷ 14-15.

Kết quả thu được từ hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào công tác quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đồng thời, chuẩn bị những luận cứ khoa học cho việc kiến tạo các hành lang phát triển mới, tổ chức lại các không gian phát triển, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, góp phần đưa khu kinh tế Vân Đồn – một trong hai mũi đột phá của Quảng Ninh sớm trở thành khu kinh tế có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước.