Chợ Việt xưa nay: Vân Đồn, từ thương cảng cổ đến cực phát triển mới
Chợ Việt xưa nay: Vân Đồn, từ thương cảng cổ đến cực phát triển mới
Thứ tư, ngày 02/03/2022 08:00 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai các thủ tục cần thiết để đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn. Nhưng Vân Đồn không chỉ là di tích, Vân Đồn còn là một cực phát triển rất quan trọng trên dải đất Đông Bắc của nước Việt...
Sử chép rằng thương cảng Vân Đồn được thành lập từ thời nhà Lý. Vào năm 1149 đời vua Lý Anh Tông, Thương cảng Vân Đồn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của lịch sử dân tộc Đại Việt. Tuy nhiên, phải đến dưới thời Trần, Vân Đồn mới thực sự phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn và có vị trí quan trọng nhất của Đại Việt. Thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16. Đọc sử về Vân Đồn cũng như nhiều đô thị khác để thấy, cha ông ta đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của hoạt động giao thương, và cũng có thể thấy rằng tiến trình “toàn cầu hóa” thực chất đã được khởi động từ rất sớm trên dải đất Việt.
Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã quan tâm nghiên cứu Thương cảng Vân Đồn trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu u. Theo PGS Đỗ Văn Ninh, Thương cảng Vân Đồn nằm trong quần đảo Vân Hải, gồm bến Cái Làng (Quan Lạn) và Cống Đông, Cống Tây (xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn). Căn cứ để nghiên cứu là các bến bãi cổ vương vãi đầy mảnh gốm sứ, sành thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc. Bến cổ Cái Làng và bến Cống Cái là hai bến trung tâm của Thương cảng Vân Đồn, nơi mà các cuộc khai quật khảo cổ đã cho thấy rất nhiều cổ vật quan trọng.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông (1345), thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang.
Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương. Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp… ở xã Thắng Lợi để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật.
Mặc dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng các nhà sử học đều chung nhận định Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống hàng chục bến thuyền cổ phân bố trên các đảo, ven bờ Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Móng Cái đến Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên. Thương cảng Vân Đồn trong suốt hơn 700 năm lịch sử, không chỉ hoạt động đơn tuyến với chỉ một bến cảng duy nhất mà là một hệ thống các bến bãi, vụng đỗ tàu liên đới với nhau.
Theo các chuyên gia, giá trị lịch sử, văn hóa của Thương cảng Vân Đồn là rất quan trọng. Đặt trong mối liên hệ lịch sử với Thăng Long – Kẻ Chợ, Phố Hiến, xa hơn là Hội An... giúp chúng ta có sự hình dung về lịch sử giao thương khá phong phú, sôi động của cha ông trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước. Mặc dù, vẫn theo giới nghiên cứu, khoảng cuối thế kỷ XVII, Thăng Long – Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An được mở cửa cho thuyền buôn các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Pháp… vào sâu trong nội địa buôn bán đã làm cho thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại.
Tọa độ phát triển mới
Vân Đồn ngày nay đã không còn là xứ xa xôi biên viễn. Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và rồi Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn thông xe đã kéo Vân Đồn gần lại rất nhiều. Và giờ đây, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sắp thông xe cũng sẽ giúp cho cả một dải đất miền Đông Bắc, mới hôm nào còn khó khăn cách trở, nay đã rộng đường phát triển cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Theo tính toán, nếu đi theo đường biển từ cảng vạn Hoa hoặc cảng biển phía Bắc đảo Cái Bầu sẽ đến các cảng của đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 hải lý, Hồng Kông 580 hải lý và Singapore 1.300 hải lý, đây là khoảng cách mà các doanh nghiệp lữ hành coi là lý tưởng để mở các tour du lịch đường biển quốc tế. Còn nếu tính theo khoảng cách hiện đại của đường hàng không thì từ Vân Đồn chỉ cần 1-2 giờ bay là đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch của Trung Quốc và thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cũng chỉ từ 3-4 giờ bay là có thể đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Seuol (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Dubai (UAE).
Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh, năm 2021, Khu đã thu hút mới 02 dự án với số vốn trên 4.300 tỷ đồng và điều chỉnh vốn cho 06 dự án với số vốn tăng thêm trên 1.500 tỷ đồng. Điển hình trong số này là Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, có số vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Phải thấy được ý nghĩa của những con số này trong một năm mà các hoạt động đầu tư chung đều rất chậm trên bình diện cả nước.
Hiện nay, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các hồ sơ, làm cơ sở thu hút đầu tư đối với dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn và dự án đầu tư quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên. Cùng với đó, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư, lập danh mục sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng White Pearl; Khu tổ hợp Trung tâm thương mại, khách sạn, dịch vụ giải trí, chợ đêm Vân Đồn; chỉnh trang khu dân cư hiện trạng, mở rộng khu đô thị tại thị trấn Cái Rồng; Khu đô thị, thương mại dịch vụ Đông Nam khu vực sân bay.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn cho biết trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2022), sẽ khởi công được một số công trình trọng điểm trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn, như hạng mục sân Golf thuộc Dự án đầu tư quần thể sân golf, khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Ao Tiên; hạng mục casino của Dự án Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; Cụm công nghiệp Tràng Hương; 2 tổ hợp khách sạn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn và Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên – Cát Linh Vân Đồn. Nếu kế hoạch này được triển khai, năm 2022 sẽ là một năm khá sôi động với Vân Đồn. Từ thương cảng cổ trở mình để thành một cực phát triển mới là câu chuyện đã và đang được viết tiếp...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.