Dân Việt

Cung Thanh niên Hà Nội Trần Bình Trọng - công trình phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp nghiêm trọng

Kim Duyên 26/09/2022 07:15 GMT+7
Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội (Cung Thanh niên Hà Nội, số 37 Trần Bình Trọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà văn hóa học sinh, sinh viên bị xuống cấp (Cung Thanh niên Hà Nội). Thực hiện: Kim Duyên


Cung Thanh niên Hà Nội là kỷ niệm của nhiều hệ

Tọa lạc ở một vị trí đẹp giữa lòng Thủ đô, ven hồ Thuyền Quang, đối diện với Công viên Thống nhất, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên (trụ sở 2 Cung Thanh niên Hà Nội) từng là nơi tổ chức nhiều cuộc thi lớn như: Hội thi "Tôi yêu Hà Nội", Cuộc thi Duyên dáng Hà Nội 2012… Đây cũng từng là nơi hoạt động văn hóa của nhiều câu lạc bộ thanh niên trong phạm vi toàn TP.Hà Nội.

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 2.

Nhà văn hóa học sinh sinh viên (37 Trần Bình Trọng), trụ sở 2 Cung Thanh niên Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tuổi thơ của bà Nguyễn Ngọc Bích (Hai Bà Trưng) gắn liền với những hoạt động văn hóa văn nghệ sôi nổi được tổ chức tại đây. Dù năm nay đã 43 tuổi nhưng bà Bích vẫn nhớ về những ngày tháng gắn bó với địa chỉ này.

"Thời học sinh, không một sự kiện nào trong Nhà văn hóa tôi bỏ qua. Vì nhà gần nên tôi thường xuyên qua để sinh hoạt văn nghệ cùng các bạn. Trước mỗi lần được đứng trên sân khấu nhà văn hóa biểu diễn tôi lại thao thức, thậm chí có lần cả đêm không ngủ. Và rồi đứng trên sân khấu được nghe được thấy những tràng pháo tay của mọi người, tôi vui, hạnh phúc lắm", bà Bích bồi hồi nhớ lại.

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 3.

Một phần công trình Cung Thanh niên Hà Nội bị xuống cấp, sập sệ làm mất an toàn và xấu mỹ quan đô thị. Ảnh: Kim Duyên.

Nhà văn hóa học sinh, sinh viên cũng là nơi anh Trần Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) gắn bó suốt thời sinh viên. Lên Hà Nội học từ năm 2009, suốt 5 năm học đại học, địa chỉ 37 Trần Bình Trọng là nơi quen thuộc để anh Minh cùng bạn bè sinh hoạt đội tình nguyện.

Anh Minh kể: "Sự kiện đội tình nguyện của mình cũng tổ chức tại Cung Thanh niên trụ sở 2, từ cuộc họp nhóm 5-7 người đến các hoạt động tình nguyện. Ngày đó, trọ cách đây 3km, Cung nhiều hoạt động, nên cứ có hoạt động là mình lại tham gia".

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 4.

Phần gạch ốp lối ngoài cổng đã bị hư, hỏng. Ảnh: Kim Duyên.

Dự án cải tạo nâng cấp và xây dựng cơ sở tại số 1 phố Tăng Bạt Hổ được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư từ năm 2007. Còn dự án cải tạo nâng cấp cơ sở tại 37 phố Trần Bình Trọng đã có chủ trương đầu tư từ năm 2015. Đến nay cả hai công trình vẫn chưa được cải tạo, sửa chữa.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hai dự án kể trên chưa bố trí vốn; đồng thời, dự án nhiều lần được đổi chủ đầu tư..., hiện thành phố đã đưa hai công trình vào danh mục dự án đầu tư công mới cần bố trí đầu tư.

Cung thanh niên Hà Nội bỏ không, xuống cấp không hoạt động được

Vốn là nơi sinh hoạt văn hóa của học sinh, sinh viên trên toàn thành phố, thế nhưng những năm gần đây Nhà văn hóa này cũng ít tổ chức các sự kiện. Một phần bởi Cung Thanh niên Hà Nội đã được chuyển về Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội (số 1 Tăng Bạt Hổ).

Bà Nguyễn Thị Dung (60 tuổi), bán nước trước cung Thanh niên cho hay: "Khoảng hơn chục năm trước, các sự kiện diễn ra nhiều, các bạn học sinh, sinh viên thường xuyên qua đây. Tuy nhiên, vài năm gần đây, chỉ có một vài sự kiện nhỏ".

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 5.

Một số hạng mục bị bỏ không không được sửa chữa, dọn dẹp để tạm bợ trong khuôn viên khiến khuôn viên toàn khu vực trở nên nhếch nhác xấu xí. Ảnh: Kim Duyên.

Từng là nơi tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, sinh viên là thế nhưng giờ đây khi nhắc đến Cung Thanh niên, hay Nhà văn hóa học sinh, sinh viên rất nhiều bạn trẻ ở Hà Nội ngơ ngác vì không biết.

Là sinh viên năm 2, Đại học Quốc gia nhưng Bùi Thanh Tâm mới chỉ đi qua một lần và chưa bao giờ đặt vào trong khuôn viên Nhà văn hóa. 

"Mình mới biết Nhà văn hóa học sinh, sinh viên thời gian gần đây vì có dịp qua Công viên Thống Nhất. Lần đầu tiên đi qua, mình không mấy ấn tượng và thậm chí cứ nghĩ rằng Nhà văn hóa này bị bỏ không vì nhìn cảnh quan khá tồi tàn, xuống cấp", Thanh Tâm chia sẻ.

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 6.

Một số thiết bị điện trong Nhà văn hóa có hiện tượng han rỉ, mất an toàn. Ảnh: Kim Duyên.

Nhà văn hóa học sinh - sinh viên Hà Nội tại số 37, phố Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội tọa lạc ở vị trí đắc địa nằm trên đảo hồ Thiền Quang, đây là điểm rất đặc biệt và lý tưởng để phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí. 

Thế nhưng, hiện nay, ít tổ chức các sự kiện lớn nên Cung Thanh niên địa chỉ 37 Trần Bình Trọng đang bị thế hệ trẻ lãng quên.

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 7.

Căn nhà bên trái hội trường bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Kim Duyên.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên (37 Trần Bình Trọng) có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, một phần công trình bị đổ sập xuống lòng hồ Thiền Quang. 

Phần mái che và một số hạng mục bị bỏ không không được sửa chữa, dọn dẹp để tạm bợ trong khuôn viên khiến khuôn viên toàn khu vực trở nên nhếch nhác, mất an toàn và xấu mỹ quan đô thị.

Công trình tiền tỷ phục vụ học sinh, sinh viên xuống cấp trầm trọng - Ảnh 8.

Phía trong Nhà văn hóa cũng có những dấu hiệu xuống cấp. Ảnh: Kim Duyên.

Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội tiền thân là Câu lạc bộ Thanh niên được thành lập ngày 25/4/1962, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành đoàn Hà Nội.


Nhà văn hóa học sinh, sinh viên Hà Nội là nơi tổ chức giáo dục các tầng lớp thanh niên Thủ đô thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí… nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần của thanh niên, phục vụ và thực hiện các nhiệm vụ chính trị Đảng, Đoàn thanh niên trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.


Để phù hợp với chức năng nhiệm vụ qua từng thời kỳ, CLB Thanh niên được đổi tên là: Câu lạc bộ Hữu Nghị Thanh Niên Hà Nội - Berlin. Ngày 09/4/1992 được nâng cấp đổi tên thành Nhà văn hoá học sinh, sinh viên Hà Nội.