Mục sở thị ngôi làng "tiến sĩ" 600 tuổi nức tiếng Hà Nội
Mục sở thị ngôi làng "tiến sĩ" 600 tuổi nức tiếng Hà Nội
Phương Linh-Nguyễn Tùng
Chủ nhật, ngày 25/09/2022 06:00 AM (GMT+7)
Không chỉ có truyền thống hiếu học được lưu truyền nhiều đời, làng Đông Ngạc (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) còn mang trong mình một bề dày văn hóa lịch sử kéo dài hàng trăm năm.
Clip ngôi làng cổ Đông Ngạc (Hà Nội). Thực hiện: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Làng Đông Ngạc được thành lập vào cuối đời nhà Trần, khoảng những năm 1346 đến năm 1370. Trước khi được đổi tên thành "Đông Ngạc" vào thời Hậu Lê, ngôi làng yên bình này ban đầu được gọi là Kẻ Vẽ. Vì vậy, dân gian thường lưu truyền câu nói "Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ". Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Làng Đông Ngạc là một trong số ít những ngôi làng được vinh dự biết đến với cái tên làng khoa bảng (làng tiến sĩ). Xuyên suốt chiều dài lịch sử, làng Đông Ngạc có rất nhiều những người trí thức học rộng tài cao, trong đó có tổng cộng 22 vị tiến sĩ. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Trong lịch sử thành lập làng, bốn dòng họ Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn là những người đã đặt nền móng quan trọng nhất. Danh nhân văn hóa Phan Phu Tiên, ông tổ của dòng họ Phan chính là người khai khoa tiến sĩ của làng Đông Ngạc. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
"Người xưa thường có quan niệm "nhất sĩ nhì nông" nên dù làng không có nhiều ruộng đất nhưng vẫn giàu có nhờ tài buôn bán và học tập. Đặc biệt, địa thế của làng ở ven sông nên là điểm giao lưu của khắp vùng miền, là chỗ tập kết giao thương, trung chuyển hàng hoá để chuyển vào trong nội đô, kinh thành. Ngoài ra, làng cũng từng có những nghề thủ công như đan mây tre, làm quang gánh,... nhưng giờ đây đã bị mai một", ông Phạm Mạc (65 tuổi), một người dân tại làng Đông Ngạc chia sẻ. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ngày nay, khi du khách tới tham quan sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều chiếc cổng làng, cổng ngõ cổ mang hình hài của những ngòi bút, nghiên mực. Ngắm nhìn dấu vết thời gian vương trên những "ngòi bút", ta chợt cảm thấy ngưỡng mộ, thán phục tinh thần hiếu học, lòng "tôn sư trọng đạo" của người dân nơi đây. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Ngoài ra, làng Đông Ngạc còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Những công trình phủ đầy rêu phong, mang nét đặc trưng của trường phái kiến trúc Á - Âu khiến không gian nơi làng cổ thơ mộng như lắng đọng, chậm lại trước sự chảy trôi của thời gian. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Không chỉ có truyền thống hiếu học, người dân làng Đông Ngạc được biết đến bởi tinh thần yêu nước đáng quý trong những tháng năm kháng chiến. Dành thời gian để khám phá quanh làng, ta sẽ bắt gặp một "Địa chỉ đỏ" nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ. Nơi đây chính là cơ sở Cách Mạng của xứ uỷ Bắc Kỳ trong thời kỳ 1939 - 1945 với mục đích cất giấu tài liệu, hội họp, liên lạc của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Lê Quang Đạo,... Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Là một làng cổ nức tiếng Hà thành, Đông Ngạc hiển nhiên cũng mang trong mình nhiều công trình di tích lịch sử vô cùng quý giá. Chùa Tư Khánh được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Di tích đình Vẽ, cổng làng và văn chỉ Đông Ngạc cũng có vị trí vô cùng quan trọng trong trái tim của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Hiện nay, nhà Văn Chỉ đang lưu giữ những văn bằng, xác chỉ của nhà vua từ thời xưa và một tấm bia khắc tên 22 vị tiến sĩ của làng được sao chép từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Tài trí, cần cù hơn người là thế, điều khiến người dân Đông Ngạc được tôn trọng chính là nhờ đức tính mộc mạc, chan hoà của người dân nơi đây. Ghé thăm làng vào một ngày nắng nóng, những bậc cao niên đầu tóc bạc phơ sẵn sàng mời bạn đến nhà, nhâm nhi một ly trà mát rượi và dành hàng giờ để chia sẻ về ngôi làng họ bấy lâu tự hào. Ảnh: Phương Linh - Nguyễn Tùng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.