Tôi mới về lại trường cấp 3 để cùng bạn bè và các thầy cô tổ chức lễ kỉ niệm 20 năm ngày ra trường. 20 năm trôi qua với rất nhiều thay đổi, rất nhiều sự kiện xảy đến với mỗi người nhưng ký ức về những ngày đi học, những ngày ôn thi đại học với tôi vẫn còn đó, không thể quên.
Cùng với TP Hồ Chí Minh, Hà Nội là nơi ôn thi đại học chất lượng mà các sĩ tử cần phải đến thời đó. Những lớp ôn luyện Toán thầy Nhất, Văn thầy Phương, Lý thầy Trung, Anh cô Nguyệt… đã tạo nên thương hiệu thời đó và luôn chật kín học sinh trong các lớp học.
Tôi nhớ hồi học lớp 12, buổi sáng sau khi học chính ở trường xong, đầu giờ chiều tôi lại đạp xe đến Trung tâm luyện thi ở con ngõ ngay bên cạnh Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH NV) trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.
Thời gian đó tôi phải học 5-6 buổi mỗi tuần cho ba môn khối D là Toán, Văn, Anh. Cứ đều đặn ôn luyện như vậy tròn 1 năm dù trời mưa hay nắng, tôi đều cần mẫn đạp xe đi ôn thi để nuôi giấc mơ vào đại học.
Hồi đó, Hà Nội có mấy trung tâm ôn luyện nổi tiếng, đó là trung tâm ôn luyện ĐH KHXH NV (đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) như chỗ tôi học, trung tâm ôn luyện Đại học Bách khoa (khu vực Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng), trung tâm ôn luyện ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội (khu Xuân Thủy, Cầu Giấy). Thời đó, người ta thường gọi các trung tâm luyện thi là "lò luyện thi đại học".
Gọi là lò cũng có cơ sở vì ngày đó vào mùa hè các lớp học nóng như trong lò, bởi lớp học lúc nào cũng đông, trong lớp chỉ có quạt trần hoặc quạt treo tường chưa có máy lạnh, điều hòa như bây giờ.
Thế nên, cái không khí nóng bỏng 38-39 độ bên ngoài, cộng với sự chen chúc, đông đúc của sĩ tử bên trong khiến cả thầy và trò phải mướt mồ hôi để cùng vượt qua cái oi bức, ngột ngạt để ôn luyện.
Ký ức về những ngày ôn thi đó thật sôi sục, căng thẳng bở các "lò luyện thi đại học" luôn đông đúc, tấp nập quanh năm.
Tôi không rõ ở các tỉnh, thành phố khác những anh chị bạn bè ôn thi thế nào, nhưng nếu thi trượt năm đầu, gần như phần lớn những ai ở phía Bắc sẽ đổ về Hà Nội tìm đến các lò luyện thi để ôn luyện chờ ngày thi năm sau.
Thời đó, cách thức tuyển sinh của các trường Đại học là tự ra đề thi. Một số ngành đặc thù như Báo chí, Kiến trúc, Mỹ thuật… còn phải làm bài thi năng khiếu thì càng cần phải ôn luyện ở các lò luyện. Vậy nên, việc ôn luyện giải đề thi của các trường đại học là điều mà các thầy cô ôn thi tập trung giảng giải cho chúng tôi. Hồi đó, đám học trò bọn tôi truyền tay nhau các bộ đề thi của các môn của các trường đại học để "luyện công".
Ai chăm chỉ, ôn luyện nghiêm túc, giải được nhiều đề thi của các trường năm trước sẽ có cơ hội đỗ ở kỳ thi chính thức. Bản thân tôi cũng đã giải không biết bao nhiêu đề Toán, Văn, Anh, học thuộc thơ và cả các tác phẩm văn học ở sách giáo khoa trước khi bước vào "kỳ thi cuộc đời".
Học phí cho các buổi ôn luyện hồi đó chỉ 5.000 - 7.000 đồng/buổi, được thu trực tiếp ở lớp học. Sẽ có một cô, chú ngồi trước cửa lớp để thu tiền trước khi giờ học bắt đầu. Số tiền đó so với bây giờ quá nhỏ bé, nhưng thời đó lại có giá trị.
Nhiều cậu bạn tôi nghịch ngợm vò nát tổng số tiền 5.000 đồng từ các tờ 500 - 1.000, 2.000 đồng để cô chú thu tiền phải gỡ ra đếm từng đồng rồi cười phá lên thích thú. Thế mới biết đồng tiền bây giờ đã trượt giá rất nhiều.
Ký ức những ngày ôn thi đó với tôi không chỉ có như vậy mà nó còn in sâu trong tâm trí về quãng đường tôi đạp xe để đến nơi. Cung đường từ Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Tây Sơn - Nguyễn Trãi thời đó không tắc như bây giờ. Học sinh chủ yếu là đi xe đạp, chỉ có người lớn mới đi xe máy.
Đường Nguyễn Trãi thời đó rợp bóng cây xà cừ hai bên đường, tỏa bóng râm mát, nhưng giờ chỉ là ký ức. Hai hàng cây cổ thụ dọc đường Nguyễn Trãi đã bị chặt bỏ để nhường không gian xây dựng đường tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông ngày nay.
Một điều nữa khiến tôi không thể quên trong những ngày đi ôn luyện 20 năm trước là mùi thơm của thuốc từ nhà máy thuốc lá Thăng Long. Cho đến lúc này dù tôi vẫn không hút thuốc nhưng mùi thơm của thuốc lá tỏa ra vào cuối chiều ngày đó cuốn hút tôi, khiến tôi phải hít hà mùi thơm đó. Một mùi thơm thoang thoảng, không thể lẫn vào đâu và không hắc như khi ngửi trực tiếp vào điếu thuốc.
Mùi thơm đó cũng là dấu hiệu giúp tôi nhận biết sắp đến nơi học. Ngày nay, nhà máy thuốc lá Thăng Long không còn ở đó, mùi thơm từ nhà máy bay ra giờ cũng chỉ còn là ký ức. Khu đất của nhà máy thuốc lá Thăng Long và nhà máy xà phòng Hà Nội trên đường Nguyễn Trãi đã nhường chỗ cho một dự án chung cư cao cấp sắp thành hình.
20 năm trôi qua, quy chế tuyển sinh vào đại học, cao đẳng những năm gần đây đã khác so với nhiều năm trước. Sự thay đổi về cách thức giảng dạy, cách thức ra đề, cách thức thi, cùng sự phát triển của công nghệ đã khiến các "lò luyện thi" không có cơ hội để tồn tại. Cách thức ôn luyện của thí sinh ngày nay đã khác ngày xưa.
Cũng không còn cảnh cha mẹ, con cái rồng rắn lên Hà Nội vào mỗi kỳ thi đại học để rồi tạo nên cảnh tượng quá tải về giao thông, về chỗ ở cho các sĩ tử từ khắp nơi đổ dồn về Thủ đô.
Việc xét tuyển vào đại học dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT áp dụng mấy năm qua đã giảm tải áp lực thi cử cho các thí sinh, giảm tải tàu xe về Hà Nội vào mỗi kỳ thi.
Còn với tôi, giờ đây, mỗi lần đi trên đường Nguyễn Trãi, khi đến trường ĐH KHXH NV, tôi lại nhìn vào ngõ 336 thân thương.
Một thói quen không thể bỏ bởi nơi đó, hơn 20 năm trước là kỉ niệm, là ký ức của tôi về một thời ôn thi sôi nổi, nhiệt huyết từ "đặc sản giáo dục" của Hà Nội năm xưa.
Bài viết Nhớ những ngày ôn luyện ở "lò luyện thi" dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.