Ký ức Hà Nội: Những chuyến thăm Thủ đô đặc biệt thời thơ ấu

Tường Mây Chủ nhật, ngày 25/09/2022 18:13 PM (GMT+7)
Nếu như nhiều đứa trẻ tỉnh lẻ mơ đặt chân đến Hà Nội một lần để đi xem vườn bách thú, dạo bước hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền... thì tôi lại dè chừng Hà Nội, nơi mà tuổi thơ tôi chỉ ngửi thấy mùi thuốc men ở bệnh viện và những tiếng người kêu la vì đau đớn.
Bình luận 0

Ngày nhỏ, tôi thường thấy mẹ tôi xem dự báo thời tiết ở kênh Hà Nội, cho dù nhà tôi thuộc Hà Tây. Tôi có hỏi mẹ thì mẹ bảo "xem kênh Hà Nội mới chính xác". Tôi ngơ ngác, chẳng hiểu. 

Vì lúc đó tôi là fan ruột của kênh Hà Tây, mỗi chiều được nhẹ nhạc hiệu "Bóng chiều thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây quê em dệt lụa", là trong tôi rạo rực vô cùng. 

Tôi còn nhớ năm học lớp 5, trường tôi tổ chức chuyến đi tham quan sở thú, bây giờ tôi mới biết là công viên Thủ Lệ, bạn bè háo hức vô cùng. Tôi về nói với mẹ, mẹ tôi gạt phăng đi, bảo rằng "ở nhà, vịt, gà, lợn, trâu, bò… đầy ra đấy, sở thú cũng chỉ có những con như thế thôi con". Vậy là tôi mất hứng với Hà Nội, ở nhà. 

Sở dĩ mẹ tôi nói vậy vì mẹ luôn coi Hà Nội là chốn mưu sinh đầy xô bồ, chứ không phải nơi vui vẻ thuộc về tầng lớp nông dân hay dân nghèo ngoại tỉnh.

Mẹ tôi lấy ví dụ. Cứ mỗi tháng mẹ tôi đi "du lịch đêm" Hà Nội 4 lần, ngắm phố phường đến mệt rã rời, nhiều khi chẳng muốn đi mà cơm áo mưu sinh cứ thúc giục. Hào hứng gì đâu. 

Ấy là, bố mẹ tôi chuyên nghề buôn hoa tại chợ hoa Quảng Bá. Cứ đến ngày Rằm, mồng Một là "đôi cò già" lại lặn lội từ 1 giờ sáng, lạch cạch xe đạp lên mua hoa rồi lại đi bán lẻ. 

Ngày xưa chưa có đồng hồ báo thức, mẹ thấp thỏm cả đêm chẳng chợp mắt. Lỡ hôm nào ngủ quên, mẹ ngồi nhìn đàn gà, thất thần như người mất sổ gạo. Hà Nội chợ hoa – Hà Nội phồn hoa, dường như nặng trĩu trên đôi mắt heo gầy của mẹ.

Ký ức Hà Nội: Tuổi ấu thơ đầy ắp kỷ niệm về Thủ đô - Ảnh 2.

Ngôi nhà cổ kính kiến trúc Pháp giữa lòng phố cổ Hà thành. Ảnh: Tường Mây,

Lại nữa, năm tôi học lớp 6, vào dịp tết, cả nhà tôi trên đường đi chúc tết về thì bị tai nạn giao thông. Bố nằm vật ra đường còn tôi xây xước, choáng váng. Thế là tôi biết thêm một thứ ở Hà Nội – bệnh viện.

Mẹ tôi kẽo kẹt đạp xe từ nhà lên bệnh viện chăm hai bố con. Đi đến đâu nước mắt vãi rơi đến đó. Tôi may mắn chỉ nằm viện ít hôm, còn bố tôi mổ chân, sau này phải đi tập tễnh. 

Những ngày ở bệnh viện, tôi cảm nhận một không khí ngột ngạt, chỉ thấy đội người nhà khóc rền rĩ, mùi bệnh viện luôn làm tôi buồn nôn. Chẳng ai thân thích.

Khỏe hơn, tôi được ra phố chơi. Tay mẹ tôi luôn giữ lấy vai tôi, mẹ bảo "đường trên Hà Nội rất nhiều xe, đi không chú ý dễ bị tông ngay". Tôi sợ thật. 

Nhưng rồi, chính mẹ tôi đã bị cậu thanh niên tông khi sang đường, ngay đoạn có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Hà Nội thật tình làm sao vậy?, hay chăng tôi chẳng thích hợp với mảnh đất này.

Qua cơn bĩ cực này lại đến cơn lốc khác. Ít lâu sau, tôi lại bị mọc hạch khắp vùng cổ và bẹn. Mẹ tôi bảo, "bệnh viện huyện không chữa được, lại phải lên bệnh viện trên Hà Nội". 

Thế là bao tiền bán thóc, bán gạo mẹ tôi lại dồn cho tôi đi viện. Nhắc đến Hà Nội, khi đó trong tôi chỉ toàn là bệnh viện, bệnh tình mà đã lên Hà Nội thì chẳng hề nhẹ, mà có khỏi thì cũng tiêu tốn phân nửa gia tài.

Lần nào đi viện, mẹ tôi đều dẫn tôi đi ăn bún phở hoặc món gì đó "bụi bụi", nhưng mẹ không ăn. Trước lúc ăn, mẹ hỏi giá rất kỹ, "chốt" giá rõ ràng mới ngồi xuống bàn. Mẹ chỉ gọi một suất rồi nhìn tôi ăn ngon lành. 

Ngày xưa, chưa có ví đựng tiền, tôi thấy mẹ tôi cuộn đến vài lớp giấy báo vào tập tiền cũ nhàu, nhét mấy lần túi quần. Mẹ bảo, lên phố khác lắm không giống quê đâu, móc túi cướp giật nhiều vô kể. Sểnh ra là mất liền, mất toi cả đàn gà, con lợn như bỡn.

Ký ức Hà Nội: Tuổi ấu thơ đầy ắp kỷ niệm về Thủ đô - Ảnh 3.

Tháp Rùa Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hưng.

Chưa thấy yêu Hà Nội nhưng rồi tôi lại trở thành dân Hà Nội chỉ sau một giấc ngủ. Ngày 1/8/2008, Hà Tây quê tôi sáp nhập về Thủ đô. 

Chúng tôi có tên gọi mới là người Hà Nội 2 hay người Hà Nhì, thêm nữa là Hà Nội có đống rơm to, có con "bò vàng", Hà Nội gọi "tép là tôm"....muôn vàn kiểu phân biệt, tôi dặn lòng cứ tự hào đi xem sao.

Tôi học dần cách thích nghi: mình là công dân Thủ đô và tạm cho Hà Tây quê lụa vào ký ức. Hết phổ thông, tôi vào đại học. Gửi gắm tương lai trên mảnh đất phồn hoa, đô hội. Chất Hà Nội trong tôi cứ bồi đắp dần theo năm tháng. Tôi dần biết yêu mùi hoa sữa ngào ngạt đến nhức đầu. 

Tôi lang thang, mê mẩn với 36 phố phường cổ kính, hào hoa. Tôi thả hồn vào cơn gió mát rượu của hồ Tây, ngắm bầy sâm cầm nhỏ hay những con đường thân quen còn đó, những giảng đường đại học mộng mơ... và mùa thu Hà Nội nên thơ, trữ tình.

Hà Nội chẳng đáng sợ như tôi tưởng. Mỗi năm, thành phố có hàng trăm người được tôn vinh "Người tốt việc tốt". 

Họ ở đâu? 

Ở ngay hàng xóm nhà tôi chứ đâu. 

Họ làm gì? Họ làm từ thiện, làm việc cộng đồng, san sẻ yêu thương, mở lớp học miễn phí, nhà trọ giá rẻ, hiến đất mở đường.... 

Tôi thấy những nồi cháo yêu thương ngay cổng bệnh viện, trao đi bằng cả tâm tình. Tôi thấy những chuyến xe mùa đông ấm ngược gió lên vùng cao, xua tan giá lạnh. Và, tôi thấy tôi đâu còn lạc lõng, sợ sệt như ngày nào.

Tôi giờ làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội – ngôi trường được thừa hưởng tòa nhà kiến trúc Pháp rất cổ kính, nhuốm màu thời gian. Hà Nội cổ kính và hiện đại. Rõ ràng mang phong vị của Hà Nội thân thương.

Hà Nội, tôi đã biết yêu rồi!

Bài viết Tuổi ấu thơ đầy ắp kỷ nhiệm về Thủ đô dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem