Tin từ Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, khoa Cấp cứu ngoại của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Minh Nh. (sinh năm 2008, tại Quang Trung, Hà Đông) bất ngờ bị xoắn tinh hoàn lúc nửa đêm.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng bìu trái, đau liên tục, đau lan dọc thừng tinh lên vùng hố chậu trái. Bệnh nhân cho biết bắt đầu đau lúc khoảng 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng. Sau đó, gia đình tự điều trị nhưng không đỡ, nên đưa vào viện thăm khám.
Qua khai thác về tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được làm xét nghiệm máu, chụp Xquang và siêu âm Doppler mạch tinh hoàn.
Kết quả chẩn đoán bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn trái giờ thứ 5, ngay lập tức các bác sĩ khoa Ngoại Thận - Tiết niệu mổ cấp cứu khẩn lúc 7 giờ cùng ngày, nhằm bảo tồn được tinh hoàn trái cho bệnh nhân.
Bác sĩ Bùi Tiến Công - Trưởng khoa Ngoại thận Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho hay: "Trong mổ cho thấy tinh hoàn trái xoắn 1 vòng trong màng, đã có dấu hiệu thiếu máu nuôi dưỡng, tinh hoàn tím, không có dấu hiệu mạch.
Bác sĩ tiến hành tháo xoắn và ủ ấm tinh hoàn trái, sau một thời gian tinh hoàn hồng trở lại và đã có mạch đập, tinh hoàn trái được cố định chống tái xoắn...".
Sau mổ 2 ngày, bệnh nhân đã được kiểm tra bằng siêu âm Doppler mạch tinh hoàn trái, kết quả tinh hoàn trái được tưới máu bình thường, tinh hoàn trái đã được bảo tồn, bệnh nhân dần ổn định, hết đau và xuất viện chỉ trong vài ngày.
Theo bác sĩ Bùi Tiến Công, xoắn tinh hoàn thường xảy ra trong khi ngủ, thể điển hình thường gặp ở trẻ lớn.
Các triệu chứng như đau bìu đột ngột, ban đêm bệnh nhân bật thức dậy, đau dữ dội lan dọc theo thừng tinh, ống bẹn đến hố chậu kèm theo cảm giác buồn nôn hay nôn. Bìu to dần, da bìu đỏ thắm hay bầm tím, phù lan rội sang cả bên đối diện.
"Xoắn tinh hoàn là xoắn các cấu trúc của thừng tinh ngăn cản luồng máu đến tinh hoàn và mào tinh hoàn làm cho tinh hoàn có thể bị hoại tử. Xoắn tinh hoàn có thể coi là một tối cấp cứu vì nếu chẩn đoán và điều trị sớm có thể cứu được tinh hoàn ngược lại nếu sử trí muộn thường phải cắt bỏ tinh hoàn.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi từ ngay sau khi đẻ cho đến người cao tuổi. Tần suất mắc bệnh là 1/60 nam giới, 2/3 số trường hợp là suất hiện ở tuổi thanh niên, hai đỉnh cao là sơ sinh và 14 tuổi. Tinh hoàn có thể bị xoắn từ 3600 – 7200. Mức độ và thời gian xoắn quyết định thương tổn tinh hoàn.
Chẩn đoán sớm mổ cấp cứu ngay, khả năng hồi phục tinh hoàn còn hy vọng; Trước 6 giờ khả năng hồi phục 83%, trước 10 giờ 70%, sau 10 giờ 10%", bác sĩ Công làm rõ thêm.
Bác sĩ Công cũng khuyến cáo khi người bệnh khi có những triệu chứng như đã mô tả ở trên, cần nhanh chóng đến các bệnh viện có uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, nhằm giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe và duy trì chức năng sinh sản nam giới về sau.